Chùa Việt trong lòng núi đẹp như tiên cảnh trên đỉnh Fansipan

Tọa lạc trên đỉnh núi Fansipan, quần thể văn hóa tâm linh Fansipan hội tụ những công trình theo kiến trúc chùa Việt truyền thống, mang vẻ đẹp huyền bí, thoát tục…

 

Điểm đến mà du khách sẽ mong đợi được chiêm ngưỡng nhất khi tới thăm quan quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan chính là Kim Sơn Bảo Thắng Tự. Nhìn từ xa, công trình linh thiêng này mang kiến trúc của một ngôi chùa cổ nằm cheo leo trên đỉnh núi, dáng chùa tiệp với màu xanh của đại ngàn, khi ẩn hiện giữa màn sương, đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh.

 

Phong cách chủ đạo của kiến trúc công trình được kế thừa từ những tiền mẫu di tích chùa gỗ có niên đại sớm nhất trên đất Việt như chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội), chùa Thái Lạc (Văn Lâm, Hưng Yên), chùa Thầy (Hà Nội)…

Chùa được xây dựng trên mặt bằng bề thế nhưng các hạng mục công trình hầu hết đều có kích thước hạn chế để phù hợp với cảnh quan, địa thế nơi núi cao, đồng thời, tạo nên một quần thể kiến trúc phong cảnh hài hòa.

 Kim Sơn Bảo Thắng Tự được thiết kế theo phong cách “nội công, ngoại quốc” – phía trước là nơi thờ Phật, phía sau thờ Thánh, thường vẫn được gọi là chùa “Tiền Phật, hậu Thánh”.

Ở vị trí trung tâm của Kim Sơn Bảo Thắng Tự là Đại Hùng Bảo Điện. Nơi đây quy tụ nhiều pho tượng Phật do các nghệ nhân tạc tượng nổi tiếng của Việt Nam chế tác. Phong cách bài trí tượng trong chùa tuân thủ nghiêm ngặt quy định của thiền phái Bắc tông. Đặc biệt, trong các ngày Rằm, mùng 1, đây là điểm đến cầu an linh thiêng của các tín đồ Phật tử cùng du khách thập phương.

Chạy dọc hai bên tòa thượng điện là hành lang tả vu, hữu vu, trưng bày 18 pho tượng La Hán sơn son thếp vàng tinh tế.

 Tuy là công trình lớn nhất của quần thể văn hóa tâm linh Fansipan nhưng Kim Sơn Bảo Thắng Tự chỉ có 5 gian, cao dưới 10 mét, sân thềm rộng không đến 30 mét. Kiến trúc chùa được thiết kế bám ghép vào thế núi, như một phần sẵn có của cảnh quan thiên nhiên nơi này.

 Các đường dẫn lên chùa cũng được chia nhỏ thành từng đoạn ngắn, có chiếu nghỉ, như tạc vào thế đất. Các đề tài trang trí chủ yếu cũng được tham khảo từ những tiền mẫu chùa cổ Việt Nam, tuy nhiên đã được giản lược để giữ vẻ đẹp tự nhiên, hài hòa với tổng thể.

 Đường nét trang trí trên mái chùa cũng dựa theo hình mẫu từ các di chỉ thành Thăng Long, được chế tác bằng gỗ mộc hoặc đất nung có tráng men đồng để giúp công trình đủ sức chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt trên đỉnh.

 

Nằm ngay trục chính của Kim Sơn Bảo Thắng Tự và tượng đồng Quan Thế Âm Bồ Tát, bảo tháp 11 tầng là nơi được du khách tìm đến để ngắm trọn Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Công trình ốp đá sa thạch khai thác từ miền Trung với dấu ấn nghệ thuật kiến trúc thời Trần đậm nét.

Tiền mẫu của công trình chính là ngôi tháp chùa Phổ Minh nổi tiếng ở Nam Định, cũng được biết đến là nơi quản xá lị Phật hoàng Trần Nhân Tông.

 Từ đây đi xuống, du khách có thể men theo Đường La Hán hoặc các lối thang đá nhỏ hẹp, quanh co để tìm hiểu thêm những công trình kiến trúc tâm linh tuyệt đẹp trên đỉnh Fansipan, bao gồm: tượng đồng Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại tượng Phật A Di Đà bằng đồng lớn nhất Việt Nam, Bích Vân Thiền Tự hay Vọng Lĩnh Cao Đài – đài gác treo 5 quả chuông đồng được số đông du khách rỉ tai là điểm check-in cảnh đẹp.

Đài gác Đại Hồng Chung đặt trên trục chính của Bích Vân Thiền Tự, cao 35m. Công trình có bố cục thẳng đứng với lầu chuông tám mái, là điểm nhấn kiến trúc độc đáo trên nền các công trình triển khai theo chiều ngang của quần thể văn hóa tâm linh Fansipan.

Bên cạnh cụm kiến trúc tâm linh thuần Việt vô cùng ấn tượng, tại đỉnh non cao còn có những tạo tác kỳ công mà Phật tử mười phương ước mong được chiêm bái dù chỉ một lần trong đời.

Đó chính là Đại tượng Phật A Di Đà cao 13.5m tọa thiền trên đài sen cao 6.3m, được đúc ghép bởi hàng ngàn tấm đồng dày 0,5cm ốp trên một khung thép bề thế với kết cấu vững chãi, có khả năng chống biến dạng trước tác động của các luồng gió mạnh, trong mọi điều kiện, hình thái thời tiết khắc nghiệt.

Các tấm ốp bằng đồng được gia công theo kỹ thuật áp lực cơ khí, có lối trang trí dạng phù điêu kế thừa mỹ thuật thời Trần. Thay vì dát vàng tượng như nhiều công trình khác, chủ đầu tư chọn phương án sơn phủ bề mặt để tượng Phật có gam màu xẫm, tránh sự tương phản với xung quanh.

 Mở cổng trời lên “cõi thiên thai” Fansipan, dạo bước giữa không gian văn hóa tâm linh màu nhiệm, để ánh sáng từ bi của Đức Thế Tôn khai mở nhãn quang, chiếu rọi tâm hồn giúp du khách và các Phật tử giữ vững chính niệm, thực hành việc thiện để tạo phước lộc, an lành cho bản thân và gia đình.

Với ý nghĩa tốt đẹp ấy, đỉnh Fansipan không chỉ xứng đáng là điểm đến “du sơn ngoạn thủy” mà còn là địa chỉ cầu an bái Phật linh thiêng hàng đầu của Việt Nam.

Rate this post
Rate this post
:

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Tin tức khác