Cẩm nang khám phá bản Cát Cát: Trọn bộ thông tin cần biết

Trên hành trình du lịch đến Sa Pa, du khách sẽ phát hiện một viên ngọc quý ẩn mình giữa rừng đại ngàn hùng vĩ mang tên bản Cát Cát. Đây là một trong những ngôi làng cổ đẹp nhất Tây Bắc với cảnh sắc sơn thủy hữu tình và bản sắc văn hóa đặc trưng. Hãy cùng Sun World tìm hiểu trọn bộ thông tin chi tiết về bản làng yên bình này!

Khung cảnh tại bản Cát Cát Sa Pa
Khám phá những trải nghiệm đáng nhớ tại bản Cát Cát (Nguồn: Mardi Wu)

Mục lục

Giới thiệu bản Cát Cát Sa Pa qua 5 thông tin tổng quan 

Để giúp bạn cái nhìn khái quát về bản Cát Cát, bài viết xin chia sẻ một số thông tin tổng quan về vị trí địa lý, tên gọi, thời gian – chi phí trải nghiệm và giờ hoạt động của bản làng này.

Bản Cát Cát ở đâu? 

Bản Cát Cát nằm nép mình dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, xung quanh được bao bọc bởi các triền núi đá và rừng cây xanh ngát. Diện tích của thôn bản tương đối nhỏ, thuộc địa phận xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thị xã gần 4km về hướng Tây Nam.

Khi có dịp ghé thăm “xứ sở sương mù” Sa Pa, nhiều du khách thường tìm về bản Cát Cát để tận hưởng bầu không khí trong lành và giải tỏa những mệt nhọc, ưu phiền của cuộc sống. Từng gian nhà gỗ thô sơ, con suối thác cuồn cuộn, cây cầu treo nho nhỏ hay cối xay nước mộc mạc đã phác họa nên một bức tranh phong cảnh rung động lòng người. Tại đây, bạn sẽ được thưởng thức ẩm thực miền sơn cước và khám phá nếp sinh hoạt thường nhật của người đồng bào hiền hậu, chất phác.

Địa chỉ bản Cát Cát Sa Pa trên bản đồ
Địa chỉ bản Cát Cát Sa Pa trên bản đồ (Nguồn: Google Maps)
Sa Pa bản Cát Cát nhìn trên thực tế
Sa Pa bản Cát Cát nhìn trên thực tế (Nguồn: Du lịch Dế Mèn)

>>> Bạn đã sẵn sàng check in bản Cát Cát chưa? Click ngay để trải nghiệm cảnh sắc tuyệt đẹp và ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ!

Nguồn gốc tên gọi Cát Cát Sa Pa

Bản Cát Cát là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng người H’Mông hình thành từ giữa thế kỷ XIX. Từ thời xa xưa, cư dân bản địa đã phát triển nghề rèn để tự làm nên những nông cụ hữu dụng như dao, cuốc, xẻng… với bề mặt sắc bén và cán sừng trâu chắc chắn. Ngoài ra, những người phụ nữ dân tộc chăm chỉ còn lưu truyền nghề dệt vải lanh, thêu thổ cẩm cũng như phụ giúp việc nương rẫy, chăn nuôi để chăm lo cho gia đình.

Đến đầu thế kỷ XX, người Pháp đã đặt chân đến Sa Pa bản Cát Cát và bị cuốn hút bởi vẻ đẹp vừa lãng mạn, vừa hoang sơ. Một số quan chức thực dân thường ghé lại nơi đây để nghỉ dưỡng và chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên. Bên cạnh đó, dòng suối thác tại trung tâm bản làng cũng được người Pháp tận dụng để xây dựng nhà máy thủy điện, đưa hơi thở hiện đại đến vùng núi hiểm trở.

Có hai luồng ý kiến giải thích nguồn gốc tên gọi “Cát Cát” của địa danh này, cụ thể:

  • Cách lý giải thứ nhất: Ấn tượng với ngọn thác thơ mộng của bản làng, người Pháp đã đặt tên cho nơi đây là “cascade” – tức “thác nước” trong tiếng Pháp. Về sau, người dân địa phương đã Việt hóa tên gọi này thành “Cát Cát” như hiện nay.
  • Cách lý giải thứ hai: Trong ngôn ngữ của người H’Mông, “Cát Cát” có nghĩa là “dưới chợ”, ý chỉ thác nước dưới chợ – vị trí địa lý của bản làng nằm dưới chân dãy núi trập trùng.

Đi Bản Cát Cát mất bao lâu?

Bản Cát Cát tuy không rộng lớn nhưng để chinh phục hết các điểm tham quan, bạn sẽ phải mất cả buổi sáng/chiều hoặc một ngày. Nếu tại bản Tả Van hay Lao Chải, bạn có thể vi vu trên chiếc xe máy để khám phá những nẻo đường làng quanh co thì khi du lịch bản Cát Cát Sa Pa, bạn chủ yếu di chuyển bằng chính đôi chân mình qua những bậc thang dốc đứng hay cầu treo lắc lư. Vì vậy, bạn nên chuẩn bị tốt thể lực để có trải nghiệm trọn vẹn tại ngôi làng cổ của người H’Mông.

Bạn nên dành ra ít nhất một buổi sáng/chiều để khám phá bản Cát Cát Sa Pa có gì
Bạn nên dành ra ít nhất một buổi sáng/chiều để khám phá bản Cát Cát Sa Pa có gì (Nguồn: FB Bản Cát Cát – Cat Cat Village)

Chi phí đi bản Cát Cát Sa Pa

Tại bản Cát Cát, bạn sẽ phải chi trả giá vé tham quan và một số loại chi phí dịch vụ khác tùy theo nhu cầu cá nhân của mỗi người.

1.4.1.Giá vé tham bản Cát Cát 

Bảng giá vé bản Cát Cát được cập nhật vào tháng 3/2024 cụ thể như sau:

  • Người lớn: 150.000 VNĐ/lượt.
  • Trẻ em cao từ 1m đến 1,3m: 100.000 VNĐ/lượt.
  • Trẻ em cao dưới 1m: miễn phí.

1.4.2. Một số chi phí khác (tùy vào nhu cầu của du khách) 

Bên cạnh giá vé vào bản Cát Cát, bạn có thể chi trả thêm một số khoản phí phát sinh sau đây (mức giá chỉ mang tính tham khảo chung):

  • Chi phí thuê trang phục dân tộc: 50.000 – 150.000 VNĐ/bộ.
  • Chi phí ăn uống – thưởng thức ẩm thực: 50.000 – 200.000 VNĐ/người.
  • Chi phí nghỉ qua đêm: 250.000 – 3.000.000 VNĐ/người.

Bản Cát Cát mấy giờ đóng cửa? 

Bản Cát Cát mở cửa mấy giờ và đóng cửa khi nào hẳn là băn khoăn của nhiều du khách. Thực tế, thôn bản bắt đầu đón khách từ 5h00 và tạm dừng các hoạt động sau 22h00. Bạn nên sắp xếp thời gian tham quan hợp lý và tranh thủ trở về thị trấn trước lúc trời tối hẳn để tránh nguy hiểm khi di chuyển trên đường đèo và nguy cơ bị cảm lạnh do sương đêm. Mặt khác, bạn cũng có thể chọn lưu trú tại các khách sạn/homestay quanh bản Cát Cát để tận hưởng không khí tĩnh mịch về đêm.

Bản Cát Cát mấy giờ đóng cửa, câu trả lời là thời gian hoạt động của khu du lịch kéo dài đến 22h00 hằng ngày
Cho những du khách thắc mắc bản Cát Cát mấy giờ đóng cửa: Thời gian hoạt động của khu du lịch kéo dài đến 22h00 hằng ngày (Nguồn: FB Bản Cát Cát – Cat Cat Village)

>>> Ngoài bản Cát Cát, bạn có thể khám phá vẻ đẹp của bản Lao Chải tại bài viết sau.

Các thời điểm nên đi du lịch bản Cát Cát

Vào mỗi thời điểm trong năm hoặc trong ngày, bản Cát Cát lại mang đến phong vị riêng biệt và làm say đắm tâm hồn những con người đam mê “xê dịch”.

Thời điểm nên du lịch bản Cát Cát trong năm  

Khí hậu bản Cát Cát giao thoa giữa nhiệt đới và ôn đới nên luôn duy trì nhiệt độ mát mẻ quanh năm. Thế nhưng, vào mỗi mùa khác nhau, bạn lại được chiêm ngưỡng những đặc trưng nổi bật của ngôi làng cổ kính. Cụ thể:

  • Từ tháng 4 đến tháng 10: Đây là lúc những con thác đầu nguồn bắt đầu trút nước xuống bản làng, tạo nên dòng chảy dữ dội như khúc hát rừng già và tiếp thêm sức sống cho cỏ cây, hoa lá sinh sôi. Đặc biệt, bạn có cơ hội tham gia nhiều lễ hội dân gian của người H’Mông diễn ra trong thời gian này như lễ hội Lồng Tồng hay lễ hội Gầu Tào và hiểu hơn về phong tục – tập quán bản địa.
  • Từ tháng 11 đến tháng 3: Đây là lúc mùa cao điểm du lịch đã qua đi và những cơn gió đông se lạnh tràn về bản làng. Do đó, bạn có thể tận hưởng không khí khoáng đạt, khung cảnh núi rừng tĩnh lặng và đôi khi bắt gặp biển mây tràn vào từng hơi thở, hay sương tuyết đọng lại trên hiên nhà, tán cây.
Tham quan bản Cát Cát vào thời điểm nào trong năm, du khách đều sẽ cảm nhận được những đặc trưng riêng của từng mùa
Tham quan bản Cát Cát vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, du khách đều cảm nhận được những đặc trưng riêng (Nguồn: Nếm TV)
  • >>> Bản Mây có gì đặc biệt? Nhấn vào đây để tìm hiểu về ngôi làng mờ sương và chuẩn bị cho chuyến đi của bạn!

Thời điểm nên du lịch bản Cát Cát trong ngày 

Nếu đã quyết định được thời điểm khám phá địa danh này trong năm, vậy nên đi bản Cát Cát sáng hay chiều? Bạn có thể lựa chọn sau khi cân nhắc những ưu và nhược điểm sau:

  • Vào buổi sáng: Ánh nắng tương đối dịu, chan hòa, phù hợp để du khách chụp hình “sống ảo” và thực hiện các hoạt động ngoài trời. Tuy nhiên, lượng khách ghé thăm thôn bản vào lúc này khá đông đúc và có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch.
  • Vào buổi chiều: Trái ngược với buổi sáng, ánh nắng lúc này lại có phần gay gắt hơn nhưng nhiệt độ không khí vẫn khá mát mẻ nhờ sự điều tiết của rừng cây đại ngàn. Các cơn mưa rào lất phất thường xuất hiện vào buổi chiều và tác động đến các hoạt động ngoài trời. Tuy vậy, lượng khách tham quan giảm xuống đáng kể sẽ giúp bạn thoải mái tận hưởng chuyến du lịch cùng những người thân yêu.

Ngoài ra, bạn cũng có thể ở lại bản Cát Cát đến trước 22h00 hoặc qua đêm tại các khách sạn/homestay để tận hưởng những làn gió mát lạnh, chiêm ngưỡng ánh đèn vàng ấm áp và thưởng thức rượu ngô, rượu táo mèo thơm nồng bên bếp lửa bập bùng.

Những gian nhà gỗ tại bản Cát Cát được thắp sáng lung linh khi đêm về
Những gian nhà gỗ tại bản Cát Cát được thắp sáng lung linh khi đêm về (Nguồn: @finzuri)

Gợi ý cách di chuyển đến bản Cát Cát nhanh chóng 

Đường xuống bản Cát Cát ra sao được nhiều du khách quan tâm. Để giúp bạn thuận tiện di chuyển, Sun World xin chia sẻ một số cách thức phù hợp tùy theo những quãng đường khác nhau.

Di chuyển từ trung tâm Sa Pa đến cổng soát vé của bản Cát Cát 

Từ trung tâm thị xã Sa Pa, bạn đi theo hướng Tây Nam đường Xuân Viên rồi băng qua phố Cầu Mây và phố Mường Hoa. Sau khoảng 1,5km, bạn rẽ trái vào đường Violet và tiếp tục rẽ chếch sang trái vào đường Fansipan tại cửa hàng trang phục truyền thống Sa Pa. Khi gặp Coffee View and Bar, bạn chú ý rẽ trái rồi đi thẳng đến cổng soát vé số 1 của khu du lịch bản Cát Cát Sa Pa. Nếu muốn khám phá nhiều cảnh đẹp trên đường hơn, bạn có thể đi tiếp một đoạn đường ngoằn ngoèo để đến cổng soát vé số 2.

Mẹo khi di chuyển từ trung tâm đến cổng soát vé:

  • Kiểm tra kỹ động cơ của phương tiện trước khi xuất phát nếu di chuyển bằng xe ô tô/xe máy cá nhân.
  • Nên cân nhắc khi đi du lịch bản Cát Cát vào mùa lễ Tết đông đúc.
Bản Cát Cát cách thị trấn Sa Pa không quá xa
Quãng đường từ trung tâm thị xã Sa Pa đến bản Cát Cát (Nguồn: Google Maps)

Di chuyển từ cổng soát vé xuống bản Cát Cát 

Từ các cổng soát vé của bản Cát Cát, bạn phải gửi xe lại rồi tự đi bộ hoặc bắt xe ôm đến các điểm du lịch bên trong bản làng. Tại đây, bạn sẽ đi trên con đường lát đá đơn sơ, băng qua các cây cầu gỗ nhỏ với một bên là rừng cây rậm rạp tiếp giáp chân đồi, một bên là đoạn suối bản Cát Cát chảy rì rào qua những khe đá.

Mẹo khi di chuyển từ cổng soát vé xuống bản Cát Cát:

  • Có thể đỗ xe miễn phí khi kết hợp thuê trang phục dân tộc tại các hàng quán trước cổng soát vé.
  • Cẩn thận bám chắc lan can khi đi trên cây cầu gỗ nhỏ trơn trượt.
  • Có thể nghỉ chân tại lầu vọng cảnh nhỏ hoặc mua quà lưu niệm tại gánh hàng rong ven đường.
Con đường lát đá dẫn xuống bản Cát Cát
Con đường lát đá dẫn xuống bản Cát Cát lọt thỏm giữa sắc xanh của rừng rậm (Nguồn: Hồ Hoàng Nam)

Di chuyển từ bản Cát Cát về lại trung tâm Sa Pa 

Để về lại trung tâm thị xã Sa Pa, bạn chỉ cần di chuyển ngược lại theo các hướng dẫn bên trên. Tuy vậy, đoạn đường từ khu du lịch đến cổng soát vé lúc này phải leo lên đoạn đường dốc đứng cheo leo nên tốn khá nhiều sức lực, nhất là khi du khách đã thấm mệt sau chuyến khám phá bản Cát Cát. Bạn có thể di chuyển bằng xe ôm với giá chỉ khoảng 20.000 – 50.000 VNĐ/lượt tùy vị trí điểm đón.

Mẹo khi di chuyển từ bản Cát Cát về lại trung tâm Sa Pa:

  • Tránh đi bộ hoặc tự lái xe trên đường rừng, đường đèo vào ban đêm.
  • Hỏi trước giờ đóng cửa của cửa hàng thuê trang phục nếu gửi xe tại đây.
Du khách có thể lựa chọn di chuyển đến bản Cát Cát bằng xe máy, xe ô tô hoặc đi bộ trekking. Cụ thể:

  • Xe máy: Sử dụng xe máy cá nhân hoặc thuê với giá khoảng 100.000 – 150.000 VNĐ/ngày tại Minks Sapa (098 2349 204), Mr Chinh (0988 628 515), Bảy Mai (0815 233 793)…
  • Xe ô tô: Sử dụng xe ô tô cá nhân, thuê xe du lịch hoặc bắt taxi với giá khoảng 50.000 – 70.000 VNĐ/lượt tại các hãng Mai Linh Lào Cai (02143 767 676), Taxi Xanh Sapa (02143 636 363), Taxi Fansipan (0203 626 262)…
  • Đi bộ trekking: Tiết kiệm tối đa chi phí di chuyển, thích hợp với những ai yêu thích vận động và có thể lực bền bỉ.

Mặc gì đi bản Cát Cát? 

Bản Cát Cát là khu du lịch được chú trọng đầu tư phát triển với vô vàn góc “sống ảo” mãn nhãn và bảo tồn những nét văn hóa độc đáo. Chọn một bộ cánh phù hợp với cảnh sắc thiên nhiên nơi đây sẽ giúp bạn thỏa sức chụp ảnh và hòa nhập với người dân trong bản.

Trang phục dân tộc H’Mông

Nếu muốn hóa thân thành chàng trai, cô gái người H’Mông duyên dáng, du khách có thể thuê trang phục dân tộc tại các cửa hàng ngay cổng soát vé với giá khoảng 100.000 – 150.000 VNĐ/bộ. Quần áo, váy vóc truyền thống giúp bạn trông nổi bật hơn giữa đám đông nhờ hoa văn thổ cẩm sặc sỡ và những phụ kiện chạm khắc bạc tinh xảo. Thêm vào đó, bạn nên nhân cơ hội này để ghé thăm những ngôi nhà trong bản và trải nghiệm cuộc sống của một dân bản xứ chính hiệu.

Lưu ý khi lựa chọn trang phục dân tộc H’Mông:

  • Tìm hiểu trước đặc trưng của trang phục dân tộc H’Mông để không nhầm lẫn với trang phục của các dân tộc khác, đặc biệt là của người Tây Tạng – Mông Cổ.
  • Ưu tiên thuê trang phục dân tộc H’Mông hơn để phù hợp với cộng đồng dân cư bản Cát Cát và góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương đến với du khách trong và ngoài nước.
  • Có thể tự phối thêm các phụ kiện chạm khắc bạc của người H’Mông như vòng cổ, vòng tay, dây xà tích, nhẫn… hoặc chiếc gùi đan bằng tre, mây và chiếc ô xòe trang trí hoa đào, hoa mận.
Trong chuyến du lịch bản Cát Cát Sa Pa, bạn có thể mặc bộ trang phục truyền thống của người H’Mông
Trong chuyến du lịch bản Cát Cát Sa Pa, bạn có thể mặc bộ trang phục truyền thống của người H’Mông (Nguồn: FB Bản Cát Cát – Cat Cat Village)
Cặp đôi trẻ tạo dáng trong tà áo sặc sỡ cùng túi xách thổ cẩm và nhạc cụ khèn cổ truyền
Cặp đôi trẻ tự tin tạo dáng trong tà áo sặc sỡ cùng túi xách thổ cẩm và nhạc cụ khèn cổ truyền (Nguồn: FB Bản Cát Cát – Cat Cat Village)
Chàng trai, cô gái khoác lên người sắc áo chàm thân thương
Khung hình bỗng chốc hóa lãng mạn khi chàng trai, cô gái khoác lên người sắc áo chàm thân thương (Nguồn: Bản Cát Cát – Cat Cat Village)

Trang phục theo phong cách vintage

Nét cổ kính vẫn được lưu giữ trong từng đường nét kiến trúc của bản Cát Cát. Thế nên, những bộ trang phục theo phong cách vintage sẽ giúp bức ảnh check-in của bạn tại địa danh này trở nên hoài niệm khó tả. Dựa trên cảm hứng từ thời trang của những thập niên trước, bạn có thể tự do tập tành phối đồ cùng chiếc áo dạ dáng dài, mũ nồi beret đậm chất nghệ thuật, áo váy suông họa tiết hoa nhí hay chiếc quần kaki nhuốm màu thời gian.

Lưu ý khi lựa chọn trang phục theo phong cách vintage:

  • Nên kết hợp các tông màu cam, nâu, đen, xám, vàng… để làm nổi bật nét cổ điển trong bộ trang phục.
  • Không lạm dụng quá nhiều phụ kiện, trang phục mà nên kết hợp hài hòa và cân đối với nhau để tạo điểm nhấn tinh tế, sang trọng nhưng vẫn đơn giản, tao nhã.
Rảo bước giữa vườn hoa cải mèo cùng chiếc váy voan bồng bềnh và phụ kiện đội đầu cổ điển
Rảo bước giữa vườn hoa cải mèo cùng chiếc váy voan bồng bềnh và phụ kiện đội đầu cổ điển (Nguồn: FB Art House Sapa)
Mũ nồi beret và khăn choàng cổ ấm áp là những phụ kiện vintage không thể thiếu khi khu du lịch bản Cát Cát trong tiết trời mùa đông
Mũ nồi beret và khăn choàng cổ ấm áp là những phụ kiện vintage không thể thiếu khi khu du lịch bản Cát Cát trong tiết trời mùa đông (Nguồn: Viet Fun Travel)

Trang phục theo phong cách du mục Bohemian 

Giữa miền sơn cước Tây Bắc rộng lớn, phong cách du mục Bohemian phóng khoáng, trẻ trung sẽ thổi hồn vào bộ trang phục du hí đến bản Cát Cát của bạn. Qua đó, bạn có thể bộc lộ cá tính qua kiểu tóc xoăn buông thả, chất liệu vải bồng bềnh, bay bổng và các họa tiết hoa lá, động vật rực rỡ sắc màu. Ngoài ra, bạn nên phối thêm các phụ kiện như khăn turban, vòng hoa hay trang sức đính đá, hạt cườm hay túi xách tua rua trong bộ trang phục của mình.

Lưu ý khi lựa chọn trang phục theo phong cách du mục Bohemian:

  • Nên kết hợp các tông màu nâu trầm, đỏ mận, xanh denim, xanh rêu và chất liệu vải lanh, nhung, lụa, cotton để thể hiện đặc trưng phong cách Bohemian.
  • Nên ưu tiên những bộ trang phục có họa tiết bắt mắt và phối nhiều layers xếp chồng lên nhau.
Áo tay phồng và váy maxi dài chấm đất tạo nên những cô gái bohemian phóng khoáng, tự do
Áo tay phồng và váy maxi dài chấm đất tạo nên những cô gái bohemian phóng khoáng, tự do (Nguồn: Tour Sapa)
Áo tua rua phối cùng chân váy họa tiết boho tạo nên những mảng màu đa sắc
Áo tua rua phối cùng chân váy họa tiết boho tạo nên những mảng màu đa sắc (Nguồn: Along Walker)

Trang phục theo phong cách tối giản – hiện đại 

Ngoài các phong cách đặc biệt trên, bạn có thể lựa chọn những bộ thường phục tối giản – hiện đại để tham quan bản Cát Cát như áo sơ mi, áo thun, áo khoác giữ ấm, đầm chữ A, quần jeans… Loại trang phục này giúp bạn thoải mái chiêm ngưỡng cảnh đẹp khi tận dụng tủ đồ sẵn có mà không cần phải tốn thêm chi phí thuê quần áo, phụ kiện.

Lưu ý khi lựa chọn trang phục theo phong cách tối giản – hiện đại:

  • Hạn chế các họa tiết màu mè, phụ kiện rườm rà.
  • Nên tạo độ tương phản giữa màu sắc, chất liệu quần áo để làm nổi bật bộ trang phục.
  • Ưu tiên các loại trang phục cơ bản, không quá phá cách hay lỗi thời.
Áo croptop phối cùng chân váy chữ A và giày bata trắng tạo cảm giác trẻ trung
Áo croptop phối cùng chân váy chữ A và giày bata trắng tạo cảm giác trẻ trung (Nguồn: Ezfree)
Quần jeans, áo thun, áo khoác ngoài phối cùng mũ lưỡi trai đem đến bộ trang phục năng động
Quần jeans, áo thun, áo khoác ngoài phối cùng mũ lưỡi trai đem đến bộ trang phục năng động (Nguồn: Sapa Review)

Các điểm tham quan không nên bỏ lỡ tại bản Cát Cát

Ghé thăm Sa Pa bản Cát Cát mà chưa biết bản Cát Cát có gì, du khách có thể tham khảo những điểm tham quan độc đáo dưới đây và tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn bên gia đình, bạn bè.

Quan sát sơ đồ khu du lịch bản Cát Cát Sa Pa để xác định vị trí của các điểm tham quan
Quan sát sơ đồ khu du lịch bản Cát Cát Sa Pa để xác định vị trí của các điểm tham quan (Nguồn: Sobitolife.com)

Con đường bậc thang lát đá dẫn vào bản 

Vào những ngày nắng đẹp, du khách yêu thích bộ môn trekking có thể khởi động nhẹ nhàng trên con đường bậc thang lát đá dẫn vào bản Cát Cát. Dọc hai bên đường đi, bạn sẽ được ngắm nhìn những ngôi nhà gỗ pơ mu, trước nhà bày bán đủ loại hàng hóa lưu niệm như vải thổ cẩm, trang sức bạc, giỏ đan tre… Càng xuống đến trung tâm thôn bản, bạn sẽ được đón chào bởi dòng chảy mạnh mẽ của suối Vàng, suối Bạc và suối Tiên Sa va vào đá tảng rồi tung bọt trắng xóa.

Dạo bước trên con đường bậc thang lát đá giữa những quầy hàng lưu niệm của người dân trong bản
Dạo bước trên con đường bậc thang lát đá giữa những quầy hàng lưu niệm của người dân trong bản (Nguồn: Báo Đảng Cộng sản)
Nhận xét của khách tham quan khi dạo bước trên đường bậc thang dẫn vào bản Cát Cát
Nhận xét của khách tham quan khi dạo bước trên đường bậc thang dẫn vào bản Cát Cát

Vườn hoa Hồng Cổ – Tổ Chim

Cứ vào độ tháng 3 – tháng 5 khi những đóa hồng bắt đầu nở rộ cũng là lúc đông đảo du khách kéo nhau đến check-in tại vườn hoa Hồng Cổ – Tổ Chim thuộc bản Cát Cát. Khu vườn không rộng nhưng gây ấn tượng với khách tham quan bởi những bụi hồng phấn kiêu sa và hương hoa quyến rũ tràn ngập khắp các nẻo đường, ngóc ngách. Đi vào sâu hơn vườn hoa, bạn sẽ đến với khu tiểu cảnh Tổ Chim được tạo hình bằng những cành cây khô trên phông nền trời mây Tây Bắc hư ảo.

Sắc hồng phấn của loài hoa bản địa tô điểm cho không gian bản làng
Sắc hồng phấn của loài hoa bản địa tô điểm cho không gian bản làng (Nguồn: FB Bản Cát Cát – Cat Cat Village)
Du khách chụp ảnh tại chiếc “tổ chim” độc lạ được kết từ thân cây dẻo dai
Chiếc “tổ chim” độc lạ được kết từ thân cây dẻo dai (Nguồn: FB Bản Cát Cát – Cat Cat Village)
Chuyến tham quan vườn hoa Hồng Cổ - Tổ Chim để lại kỷ niệm khó quên trong lòng du khách
Chuyến tham quan vườn hoa Hồng Cổ – Tổ Chim để lại kỷ niệm khó quên trong lòng du khách

Ruộng bậc thang ven các sườn đồi bản Cát Cát 

Tuy không rộng lớn như thung lũng Mường Hoa nhưng bản Cát Cát vẫn có những thửa ruộng bậc thang uốn lượn như sóng ven các sườn đồi. Vào mỗi thời điểm trong năm, nơi đây lại mang đến những nét đẹp riêng cho thôn bản. Đó có thể là mặt nước tráng gương mùa nước đổ (tháng 5 – tháng 6), thảm lúa xanh ngát giữa vụ mùa (tháng 7 – tháng 8) hoặc sắc vàng ươm thơm lừng mùi lúa chín (tháng 9 – tháng 10). Lác đác chấm nhỏ giữa nương rẫy là những ngôi nhà gỗ đơn sơ – nơi sinh sống của dân bản Cát Cát hoặc dùng để cất giữ thóc lúa, nông cụ.

Đôi bạn trẻ dạo bước giữa những thửa ruộng bậc thang tại khu du lịch bản Cát Cát
Cặp tình nhân dạo bước giữa những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa lúa thì con gái tại khu du lịch bản Cát Cát (Nguồn: FB Bản Cát Cát – Cat Cat Village)
Chia sẻ của du khách về ruộng bậc thang ven sườn đồi trong chuyến tham quan bản Cát Cát
Chia sẻ của du khách về ruộng bậc thang ven sườn đồi bản Cát Cát

Trung tâm bản Cát Cát 

Tạm biệt những gian nhà thưa thớt trên ruộng bậc thang, bạn sẽ đến với trung tâm bản Cát Cát – nơi quy tụ của những căn nhà gỗ được xây dựng san sát nhau với lối kiến trúc ba gian, kèo ba cột ngang và mái lá giản dị. Chính giữa thôn bản là dòng suối thác chảy xiết, ba chiếc cối xay nước khổng lồ và những chiếc cầu tre mộc mạc. Tại đây, bạn có thể chụp ảnh cùng bức tranh sơn thủy lãng mạn, thưởng thức đặc sản địa phương hấp dẫn và tham gia nhiều trò chơi dân gian thú vị như múa sạp, ném pao, đẩy gậy…

Những căn nhà ba gian tựa lưng vào vách đồi và hướng về dòng suối thác
Những căn nhà ba gian tựa lưng vào vách đồi và hướng về dòng suối thác (Nguồn: Báo Mới)
Du khách thích thú và trải nghiệm nghệ thuật múa sạp của người H’Mông tại trung tâm bản Cát Cát
Thích thú với nghệ thuật múa sạp của người H’Mông tại trung tâm bản Cát Cát (Nguồn: Báo Hà Nội mới)
Trung tâm bản Cát Cát Sa Pa Lào Cai quy tụ nhiều loại hình dịch vụ qua lời kể của khách tham quan
Trung tâm bản Cát Cát Sa Pa Lào Cai quy tụ nhiều loại hình dịch vụ qua lời kể của khách tham quan

Thác Tiên Sa 

Tọa lạc cuối bản Cát Cát, thác Tiên Sa tựa như người thiếu phụ của rừng già đang buông thả mái tóc óng ả ánh bạc xuống vách đá kỹ vĩ. Tương truyền khi xưa, các tiên nữ nhà trời thường ghé lại con thác để tắm mát và nô đùa trong làn nước trong xanh. Ngày nay, khi tham quan ngọn thác mỗi dịp lễ hội, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh các cô gái người H’Mông mặc váy hoa lộng lẫy và cùng nhau múa hát. Tiếng thác đổ rộn ràng đệm cùng tiếng khèn trong trẻo hòa tấu nên bản tình khúc da diết giữa rừng núi Tây Bắc.

Thác Tiên Sa là một trong những ngọn thác đẹp nhất Tây Bắc
Không ngoa khi khẳng định thác Tiên Sa là một trong những ngọn thác đẹp nhất Tây Bắc (Nguồn: FB Bản Cát Cát – Cat Cat Village)
Thác Tiên Sa hiện ra qua góc nhìn trực quan của du khách
Thác Tiên Sa hiện ra qua góc nhìn trực quan của du khách

Cầu Si 

Tại trung tâm bản Cát Cát, nhiều cây cầu nhỏ đã được xây dựng để nối liền hai bên bờ suối. Trong số đó, khó có cây cầu nào sánh bằng cầu Si về độ nên thơ, lãng mạn. Công trình bắc ngang suối Tiên Sa mơ màng, dựng bằng ván gỗ, thanh tre, tết từ dây thừng rắn chắc và điểm xuyết những giỏ hoa rừng xinh xắn, chùm đèn đó bình dị. Trên cây cầu Si đung đưa theo gió, bạn sẽ cảm nhận rõ rệt từng nhịp bước chênh vênh và chụp được những bức ảnh check-in “vạn người mê”.

Cầu Si được trang trí bằng những giỏ hoa tươi và chùm đèn đó hiện ra qua bức ảnh của khách du lịch
Cầu Si được trang trí bằng những giỏ hoa tươi và chùm đèn đó (Nguồn: FB Bản Cát Cát – Cat Cat Village)
Du khách trải nghiệm đi qua và chụp ảnh tại cây cầu Si lãng mạn
Du khách trải nghiệm đi qua và chụp ảnh tại cây cầu Si lãng mạn

Art House Sapa 

Nếu đang tìm kiếm một tiệm thuê quần áo giá bình dân kết hợp nhâm nhi trà sữa cùng hội bạn thân tại Sa Pa bản Cát Cát thì Art House Sapa là một lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn. Cửa hàng nằm ngay tại cổng soát vé số 1 và chia thành nhiều khu vực với chức năng riêng biệt bao gồm: cho thuê trang phục, trang điểm – chụp ảnh, quán cafe, homestay và quầy hàng lưu niệm. Tại đây, bạn có thể tìm thấy váy vóc, phụ kiện truyền thống của nhiều dân tộc như H’Mông, Dao, Tày, Nùng… hoặc những bộ đồ bohemian phóng khoáng.

Đội ngũ nhiếp ảnh lành nghề của Art House Sapa cho ra những bức ảnh check-in chất lượng
Đội ngũ nhiếp ảnh lành nghề của Art House Sapa cho ra những bức ảnh check-in chất lượng (Nguồn: FB Art House Sapa)
Khu cafe có những món nước thơm ngon, phù hợp với giới trẻ
Khu cafe có những món nước thơm ngon, phù hợp với giới trẻ (Nguồn: FB Art House Sapa)
Đa phần du khách đều hài lòng với các dịch vụ tại Art House Sapa
Đa phần du khách đều hài lòng với các dịch vụ tại Art House Sapa

Cầu treo Cát Cát 

Cầu treo Cát Cát nằm trên đường vào bản làng từ cổng soát vé số 2. Cây cầu không có dáng vẻ bệ vệ, uy nghiêm như các công trình dưới miền xuôi, cũng không được trang trí xinh xắn như cầu Si nhưng lại thôi thúc đam mê chinh phục của những con người yêu thích phiêu lưu. Chiếc cầu treo nho nhỏ chỉ được ép ván gỗ mỏng manh, hai bên thành cầu là đoạn dây cáp rỉ sét. Theo từng nhịp bước đi chậm rãi, bạn sẽ cảm giác như đang lênh đênh giữa không trung. Để đảm bảo an toàn, bạn nên tuân thủ nghiêm ngặt số lượng người được phép qua cầu cùng lúc (tối đa 8 người).

Cầu treo Cát Cát là một trong các điểm tham quan tại bản Cát Cát
Bạn nên tuân thủ biển cảnh báo số lượng người được phép đi qua cầu treo Cát Cát cùng lúc (Nguồn: Bundit)
Lời khuyên chân thành của du khách sau khi trải nghiệm đi qua cầu treo Cát Cát
Lời khuyên chân thành của du khách sau khi trải nghiệm đi qua cầu treo Cát Cát

Nhà văn hóa thôn Cát Cát 

Nhà văn hóa thôn Cát Cát được xây dựng dựa trên ngôi nhà văn hóa cũ với phần tường được sơn phủ một màu vàng rực, khiến ai đi qua cũng phải bất giác ngoái đầu nhìn lại. Trên nền tường nổi bật đề lên dòng chữ đỏ đậm “Nhà văn hóa thôn Cát Cát, xã Hoàng Liên” với phông chữ cổ điển tựa như tiệm bánh Cối Xay Gió của Đà Lạt. Ngoài ra, điểm tham quan này được trang trí thêm những bó nhang nhiều màu sắc, cành hoa đào, hoa mận để tạo nên một góc check-in thú vị giữa bản làng Tây Bắc.

Du khách chụp ảnh tại một góc sân nhà văn hoá thôn Cát Cát
Những bó nhang rực rỡ trước nhà văn hóa mang đến hơi thở của phố cổ Hội An (Nguồn: FB Bản Cát Cát – Cat Cat Village)
Sắc vàng rực trên bức tường của nhà văn hóa thôn Cát Cát gây nhiều ấn tượng cho du khách
Sắc vàng rực trên bức tường của nhà văn hóa thôn Cát Cát dễ dàng thu hút sự chú ý của nhiều du khách

Nhà hát Cát Cát 

Nhà hát Cát Cát nằm đối diện dòng thác Tiên Sa thơ mộng, là nơi biểu diễn các tiết mục nghệ thuật của người bản xứ với lịch trình không cố định. Sức chứa của nhà hát không quá lớn, áng chừng chỉ tầm 80 chỗ ngồi nhưng lại tạo nên không gian giao lưu văn hóa gần gũi giữa các dân tộc anh em.

Những nghệ sĩ trong trang phục truyền thống chỉn chu đã khéo léo tái hiện phong tục – tập quán vùng cao trong những hoạt động sinh hoạt như đi nương, se lanh, dệt vải, đám cưới… Các nhạc cụ dân tộc như khèn H’Mông, khèn lá, đàn môi, sáo trúc và điệu múa uyển chuyển cũng góp phần kiến tạo màn trình diễn “tròn trịa” cả phần nhìn lẫn phần nghe.

Sân khấu biểu diễn bên trong nhà hát Cát Cát
Sân khấu biểu diễn gần gũi bên trong nhà hát Cát Cát (Nguồn: Báo Thanh niên)
Đánh giá thực tế của du khách về nhà hát Cát Cát
Đánh giá thực tế của du khách về nhà hát Cát Cát

7 trải nghiệm thú vị khác khi ghé thăm Bản Cát Cát 

Bên cạnh những điểm tham quan phong phú, bản Cát Cát còn nhiều trải nghiệm thú vị gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc đang chờ bạn khám phá.

Trải nghiệm chèo thuyền trên suối 

Trên con suối chảy qua bản Cát Cát, du khách đam mê khám phá nên thử sức chèo thuyền để trải nghiệm cảm giác trôi nổi chầm chậm trên dòng nước vô định và hưởng thụ không khí trong lành, thanh mát. Những chiếc thuyền thô sơ được tạo nên từ những thanh ống tre dài nhưng có thể chịu được trọng lượng của 3 – 4 người trưởng thành. Tuy nhiên, bạn nên chú ý không chèo thuyền lại gần các thác nước để tránh nguy hiểm.

Chèo thuyền trên suối là trải nghiệm mà du khách không nên bỏ qua khi du lịch Sa Pa bản Cát Cát
Chèo thuyền trên suối là trải nghiệm mà du khách không nên bỏ qua khi du lịch Sa Pa bản Cát Cát (Nguồn: FB Bản Cát Cát – Cat Cat Village)

Khám phá các làng nghề truyền thống 

Ngoài phát triển du lịch, bản Cát Cát còn chú trọng bảo tồn các làng nghề thủ công đang có nguy cơ mai một theo thời gian như dệt vải lanh, nhuộm chàm, rèn nông cụ, chạm trổ trang sức bạc… Qua đó, bạn sẽ được chứng kiến những công đoạn chi tiết để làm nên tấm vải thổ cẩm cầu kỳ hoặc chiếc vòng bạc đeo trên cổ của người H’Mông. Những sản phẩm tinh xảo không chỉ thể hiện tài hoa của người nghệ nhân mà còn truyền tải nét văn hóa truyền thống được giữ gìn qua nhiều thế hệ.

Người phụ nữ H’Mông cặm cụi se lanh thành từng sợi nhỏ để chuẩn bị dệt vải
Người phụ nữ H’Mông cặm cụi se lanh thành từng sợi nhỏ để chuẩn bị dệt vải (Nguồn: FB Bản Cát Cát – Cat Cat Village)

Thử vẽ sáp ong trên trang phục truyền thống 

Trong quy trình tạo nên một bộ trang phục truyền thống, vẽ sáp ong đòi hỏi kỹ năng thuần thục và sự tỉ mỉ, khéo léo. Nghệ nhân phải sử dụng bút ống tre/gỗ và nhúng đầu bút vào sáp ong nung chảy, sau đó nắn nót từng đường nét hoa lá, mặt trời, động vật… lên tấm vải lanh sao cho lượng sáp chảy đều, không ngắt quãng. Khi vải được nhuộm màu và phơi khô, lớp sáp ong mới bong ra và để ra lộ những họa tiết đầy tính thẩm mỹ. Thay vì chỉ đứng ngoài quan sát, bạn có thể hỏi thăm người dân để được tự tay phác họa nên những bức tranh sáp ong sống động mang dấu ấn của bản thân và mang về làm kỷ niệm.

Nghệ nhân vẽ sáp ong trên trang phục truyền thống của người H’Mông
Vẽ sáp ong được xem là công đoạn khó nhất khi làm trang phục truyền thống của người H’Mông (Nguồn: FB Bản Cát Cát – Cat Cat Village)

Tham dự lễ hội Gầu Tào đặc trưng của bản Cát Cát 

Lễ hội Gầu Tào (hay hội Sải Sán) là sự kiện trọng đại của cộng đồng người H’Mông ở bản Cát Cát, thường diễn ra từ ngày 1 đến ngày 15 tháng Giêng Âm lịch. Truyền thuyết kể lại rằng, khi một gia đình không có con hoặc con cái bệnh tật thì nên lên đồi Gầu Tào để cầu nguyện thần núi. Nếu lời cầu nguyện trở thành hiện thực, họ sẽ làm lễ hội náo nhiệt để tạ ơn thần linh. Đến nay, lễ hội Gầu Tào vẫn được duy trì để cúng tạ trời đất, khấn nguyện mưa thuận gió mùa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà hạnh phúc, ấm no nhân dịp năm mới.

Khung cảnh lễ hội Gầu Tào năm 2024 tại bản Cát Cát
Khung cảnh lễ hội Gầu Tào năm 2024 tại bản Cát Cát (Nguồn: FB Bản Cát Cát – Cat Cat Village)

Trong phần lễ, người bản xứ sẽ dựng lên một cây nêu cao vút giữa sân và treo lên một dải vải đỏ, một dây giấy bản to, một quả bầu khô đựng rượu. Khi dựng xong, mọi người sẽ tụ tập để bày bàn lễ phẩm trang trọng ở gốc cây nêu và cầu khấn thần linh ban con thừa tự, làm ăn khấm khá. Sau khi kết thúc ngày lễ, cây nêu được hạ xuống để đóng thành giường nằm, bầu rượu đổ văng tứ phương để bề trên chứng giám, còn mảnh vải được đem về treo trong nhà để cầu hồng phúc.

Các lễ phẩm linh đình được người dân trong bản chuẩn bị chu đáo
Các lễ phẩm linh đình được người dân trong bản chuẩn bị chu đáo (Nguồn: FB Bản Cát Cát – Cat Cat Village)

Phần hội của lễ hội Gầu Tào diễn ra không kém phần sôi động, cuồng nhiệt với các tiết mục thi thố đặc sắc giữa các chàng trai, cô gái người H’Mông. Tiếng khèn, tiếng hát vang vọng núi rừng, báo hiệu một khởi đầu mới tốt đẹp và cuộc sống sung túc, thịnh vượng. Khách miền xuôi đều có thể tham gia các trò chơi thú vị trong ngày hội như đánh quay, bắn nỏ, đấu võ, ném pao… bên cạnh chảo thắng cố nghi ngút khói, vò rượu ngô cay nồng hay mâm xôi ngũ sắc thơm ngon.

Tiết mục kết hợp múa ô - thổi khèn khuấy động không khí lễ hội Gầu Tào
Tiết mục kết hợp múa ô – thổi khèn khuấy động không khí lễ hội Gầu Tào (Nguồn: FB Bản Cát Cát – Cat Cat Village)

Thuê trang phục dân tộc & Chụp ảnh cực chill 

Hầu như các tiệm thuê trang phục dân tộc uy tín của Sa Pa đều đặt tại bản Cát Cát vì nhu cầu check-in và trải nghiệm văn hóa của du khách tại địa danh này ngày càng tăng cao. Khoác lên vải vóc thổ cẩm nhiều màu sắc, trang sức lấp lánh ánh bạc là cơ hội để bạn hóa thân thành người bản địa và góp phần gìn giữ, bảo tồn giá trị bản sắc thiêng liêng của một vùng miền. Mặt khác, bộ cánh dân tộc cũng giúp bạn chụp được những bức ảnh “sống ảo” mãn nhãn cùng thiên nhiên và con người nơi đây.

Hai nữ du khách tung tăng chụp ảnh bên cối xay nước trong bộ trang phục dân tộc
Hai nữ du khách tung tăng chụp ảnh bên cối xay nước trong bộ trang phục dân tộc (Nguồn: FB Bản Cát Cát – Cat Cat Village)

Thưởng thức các tiết mục văn nghệ khu du lịch bản Cát Cát Sa Pa

Dạo quanh trung tâm bản du lịch Cát Cát, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức những tiết mục sinh động được thể hiện bởi đội văn nghệ lão làng. Tiếng sáo trúc độc tấu du dương, tiếng khèn réo rắt vui tai, điệu múa xòe, múa dân gian linh hoạt đã thể hiện sâu sắc bản sắc văn hóa Tây Bắc dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn kỳ vĩ. Lịch trình biểu diễn văn nghệ tại bản Cát Cát cụ thể như sau:

  • Buổi sáng: ca 1 từ 8h00 – 8h40, ca 2 từ 9h00 – 9h40, ca 3 từ 10h00 – 10h40, ca 4 từ 11h00 – 11h40.
  • Buổi chiều: ca 5 từ 13h00 – 13h40, ca 6 từ 14h00 -14h40, ca 7 từ 15h00 -15h40, ca 8 từ 17h00 -17h40.

(*) Lưu ý: Lịch trình trên chỉ mang tính chất tham khảo, có thể thay đổi theo cập nhật mới nhất của ban quản lý khu du lịch Cát Cát.

Đội văn nghệ bản Cát Cát chiêu đãi du khách các tiết mục trình diễn lôi cuốn
Đội văn nghệ bản Cát Cát chiêu đãi du khách các tiết mục trình diễn lôi cuốn (Nguồn: FB Bản Cát Cát – Cat Cat Village)

Mua sản phẩm thổ cẩm 

Tại Sa Pa bản Cát Cát, du khách dễ dàng tìm thấy nhiều gian hàng thổ cẩm dọc hai bên con đường lát đá, tiệm trang phục dân tộc hay các làng nghề dệt vải thủ công. Bạn có thể mua các sản phẩm thổ cẩm này để lưu giữ kỷ niệm hoặc đem về làm quà biếu tặng gia đình, bạn bè. Đó có thể là một chiếc áo họa tiết sặc sỡ, khăn vấn đầu độc đáo, mảnh khăn mùi xoa xinh xắn hoặc chiếc túi đeo chéo bền chắc.

Những con búp bê mặc trang phục thổ cẩm cũng là món quà lưu niệm ý nghĩa sau chuyến du lịch bản Cát Cát Sa Pa
Những con búp bê mặc trang phục thổ cẩm cũng là món quà lưu niệm ý nghĩa sau chuyến du lịch bản Cát Cát Sa Pa (Nguồn: Postum Travel)

3+ điểm ăn uống tại bản Cát Cát bạn nên biết 

Trong quá trình tham quan bản Cát Cát và trải nghiệm các hoạt động tiêu biểu, du khách có thể dừng chân ăn uống tại một số hàng quán được nhiều người đánh giá cao dưới đây.

Nhà hàng Hoa Của Núi

Nhà hàng Hoa Của Núi tọa lạc ngay trung tâm bản Cát Cát với không gian thưởng thức ẩm thực mở, hướng tầm nhìn ra dòng suối chảy êm đềm và những chiếc cầu tre cong cong. Tại tọa độ này, bạn có thể trải nghiệm những món ăn thơm ngon được chế biến từ các nguyên liệu đặc trưng của thôn bản như canh măng lợn, gà tiềm hạt dẻ, ngựa xào lăn… Theo đánh giá của nhiều thực khách, giá cả các món tại nhà hàng Hoa Của Núi tương đối hợp lý, dao động từ 70.000 – 300.000 VNĐ/phần.

Không gian nhà hàng bên ngoài nhà hàng Hoa Của Núi
Không gian nhà hàng được tô điểm bởi các chậu hoa tươi, đèn lồng treo cao và vật dụng bằng gỗ (Nguồn: FB Nhà hàng Hoa Của Núi – Bản Cát Cát)
Các món ăn được phục vụ tại nhà hàng Hoa Của Núi
Mẹt thức ăn hấp dẫn với cơm lam dẻo mềm và thịt gà ta săn chắc (Nguồn: FB Nhà hàng Hoa Của Núi – Bản Cát Cát)

Chợ phiên bản Cát Cát 

Thông thường, chợ phiên bản Cát Cát thường được tổ chức vào ngày thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần nên khó tiếp cận các đối tượng đi du lịch vào các ngày trong tuần. Khi này, các thương buôn người đồng bào tụ tập đông đúc và bày bán đủ loại mặt hàng đặc sản của vùng cao như cơm lam, thịt nướng, thắng cố, thịt trâu gác bếp, rượu ngô, rượu táo mèo… với giá dao động từ 50.000 đến 200.000 VNĐ/phần và hương vị truyền thống không trộn lẫn. Nếu có dịp tham gia chợ phiên bản Cát Cát, bạn đừng ngần ngại hỏi thăm dân địa phương về điểm ăn uống ngon để không phải bối rối trước nhiều quầy hàng phong phú.

Bạn nên thưởng thức thử các món nướng đậm vị Tây Bắc khi ghé thăm chợ phiên Cát Cát
Bạn nên thưởng thức thử các món nướng đậm vị Tây Bắc khi ghé thăm chợ phiên (Nguồn: Du lịch Lào Cai)

Các quán cafe đẹp 

1 – Quán cafe Nhà Của Mị

Giữa không gian rừng núi hoang sơ, quán cafe Nhà Của Mị như bước ra từ câu chuyện cổ tích thần tiên với thiết kế nhà gỗ giản dị, điểm thêm các chậu cây nhỏ nhắn, rau củ quả tươi ngon, giàn ngô phơi khô trĩu nặng và các vật dụng sinh hoạt của người H’Mông. Tại đây, bạn có thể nhâm nhi tách cà phê thơm lừng và hòa mình vào nhịp sống của người dân bản Cát Cát.

Khôngg gian quán cafe Nhà Của Mị
Quán cafe Nhà Của Mị cũng là điểm check-in yêu thích của nhiều du khách (Nguồn: Kỷ nguyên Tourist)

2 – Quán cafe A Phủ

Nếu Nhà Của Mị tựa như nàng thôn nữ H’Mông dịu dàng, nền nã thì Quán Cafe A Phủ lại mang đến nét đẹp vững chãi, kiên cường của chàng kỵ sĩ Tây Bắc với thiết kế nhà gỗ 3 tầng kiên cố. Để đến được quán, du khách phải đi qua một đoạn cầu thang gỗ thô sơ bắc qua con suối thác lúc thì dữ dội như sấm rền, lúc lại êm ả như lời hát ru. Ở địa chỉ này, bạn có thể trải nghiệm các thức uống bình dân như cà phê, sinh tố, nước ép và thưởng thức những món ăn vặt cùng hội bạn thân.

Toàn cảnh thiết kế 3 tầng kiến cố của quán cafe A Phủ
Toàn cảnh thiết kế 3 tầng kiến cố của quán cafe A Phủ (Nguồn: FB A Phủ coffee and drink)

3 – Quán cafe homestay Gem Valley

Ngôi nhà xinh đẹp mang tên Gem Valley nằm nép sát sườn núi, bám vào dãy đường đèo quanh co và được ôm trọn bởi rừng đại ngàn Hoàng Liên bao la. Đây vừa là quán cafe, homestay, vừa là một gian triển lãm các bức tranh được sáng tác bởi chủ nhà. Không gian thưởng thức cà phê của Gem Valley là một dãy bàn gỗ nằm trên tầng lầu. Bạn có thể ngồi đây cùng tách cà phê ấm nóng và ngắm nhìn trọn vẹn những thửa ruộng bậc thang mỗi mùa mỗi vẻ của bản Cát Cát.

Từ quán cafe homestay Gem Valley, du khách có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng trọn vẹn vùng núi non trập trùng
Vị trí đắc địa của quán cafe homestay Gem Valley giúp du khách chiêm ngưỡng trọn vẹn vùng núi non trập trùng (Nguồn: Homestay.review)

5 điểm lưu trú có giá thành hợp lý – đáp ứng mọi nhu cầu 

Nếu có ý định qua đêm tại bản Cát Cát hoặc các khu vực lân cận, du khách có thể cân nhắc lựa chọn một trong những khách sạn/homestay được liệt kê sau đây:

Điểm lưu trú  Thông tin cần biết 
Mị’s House Homestay
  • Địa chỉ: trung tâm bản Cát Cát, X. San Sả Hồ, TX. Sa Pa, tỉnh Lào CaiGiờ check-in & check-out: đang cập nhật
  • Mức giá phòng: 250.000 VNĐ/ngày
  • Các loại phòng: phòng thường và phòng VIP nhìn ra núi
  • Tiện ích phòng: Wi-Fi
  • Tiện ích khác: quán cafe, hồ bơi
  • Hotline: 0968 494 839
  • Đánh giá: 4,3/5 sao
 
Khách sạn Cat Cat Garden
  • Địa chỉ: 079 Fansipan, X. San Sả Hồ, TX. Sa Pa, tỉnh Lào Cai
  • Giờ check-in & check-out: 13h00 – 12h00
  • Mức giá phòng: 600.000 – 5.600.000 VNĐ/ngày
  • Các loại phòng: Deluxe giường đôi, Deluxe gia đình, Superior gia đình, Bungalow nhìn ra vườn, căn hộ có ban công, căn hộ nhìn ra núi
  • Tiện ích phòng: Wi-Fi, phòng tắm riêng
  • Tiện ích khác: quán cafe, hồ bơi
  • Hotline: 0988 552 388
  • Đánh giá: 4,4/5 sao
 
Khách sạn Galerie d’Art
  • Địa chỉ: 079 Fansipan, X. San Sả Hồ, TX. Sa Pa, tỉnh Lào Cai
  • Giờ check-in & check-out: 13h00 – 12h00
  • Mức giá phòng: 600.000 – 5.600.000 VNĐ/ngày
  • Các loại phòng: Deluxe giường đôi, Deluxe gia đình, Superior gia đình, Bungalow nhìn ra vườn, căn hộ có ban công, căn hộ nhìn ra núi
  • Tiện ích phòng: Wi-Fi, phòng tắm riêng
  • Tiện ích khác: quán cafe, hồ bơi
  • Hotline: 0988 552 388
  • Đánh giá: 4,4/5 sao
 
Sapa Cat Cat Hills Resort & Spa
  • Địa chỉ: 086 Fansipan, X. San Sả Hồ, TX. Sa Pa, tỉnh Lào Cai
  • Giờ check-in & check-out: 14h00 – 12h00
  • Mức giá phòng: 1.800.000 – 6.500.000 VNĐ/ngày
  • Các loại phòng: Superior giường đôi/2 giường đơn, Deluxe giường đôi/2 giường đơn nhìn ra núi, phòng 4 người nhìn ra núi, phòng gia đình nhìn ra núi
  • Tiện ích phòng: Wi-Fi, TV, máy điều hòa, mini bar, phòng tắm riêng
  • Tiện ích khác: nhà hàng, quán cafe, hồ bơi, spa thư giãn
  • Hotline: 0889 291 661
  • Đánh giá: 4,4/5 sao
 
Sakura Homestay
  • Địa chỉ: bản Cát Cát, X. San Sả Hồ, TX. Sa Pa, tỉnh Lào Cai
  • Giờ check-in & check-out: đang cập nhật
  • Mức giá phòng: 200.000 – 250.000 VNĐ/ngày
  • Các loại phòng: phòng giường đôi nhìn ra núi, phòng 4 người nhìn ra núi
  • Tiện ích phòng: Wi-Fi
  • Tiện ích khác: khu sinh hoạt tập thể
  • Hotline: 0869 705 705
  • Đánh giá: 4,5/5 sao

4 lưu ý khi ghé thăm bản Cát Cát 

Để có chuyến hành trình khám phá bản Cát Cát suôn sẻ, du khách nên lưu ý một số kinh nghiệm sau đây:

  • Không trả giá quá mức khi mua hàng của người bản địa: Giữ thái độ ôn hòa, nhã nhặn và dừng lại đúng lúc là bí quyết giúp bạn trả giá thành công nhưng vẫn ghi điểm trong mắt của người đồng bào.
  • Tham khảo trước các dịch vụ tại khu du lịch Cát Cát: Do nằm tách biệt với thị trấn nhộn nhịp nên các loại hình dịch vụ tại bản làng không quá đa dạng. Vì thế, bạn nên tìm hiểu trước những thông tin này trên các hội nhóm Facebook nếu có nhu cầu.
  • Giữ gìn – bảo quản tư trang cẩn thận: Dòng người đến tham quan bản Cát Cát khá đông vào dịp lễ Tết hoặc các ngày cuối tuần. Do đó, bạn không nên mang theo những món trang sức giá trị cao và cất giữ tư trang trong túi xách chắc chắn để phòng tránh rơi rớt/trộm cắp.
  • Tránh mặc trang phục vải lanh thuần trắng: Trong văn hóa địa phương, sắc trắng vải lanh chưa nhuộm chàm chỉ được sử dụng trong tang lễ. Trang phục màu này cũng dễ bám bẩn hơn, gây bất tiện trong quá trình du lịch.

Nhờ phát huy tối đa tiềm năng du lịch, bản Cát Cát đã và đang trở thành điểm dừng chân lý tưởng của nhiều du khách khi ghé thăm Sa Pa. Địa danh này hội tụ tinh hoa văn hóa vùng cao thể hiện qua những gian nhà gỗ rêu phong, dòng suối thác trắng xóa, guồng quay nước khổng lồ, màn trình diễn văn nghệ đặc sắc hay làng nghề thủ công truyền thống. Sun World hy vọng những thông tin hữu ích trên sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm du lịch bản Cát Cát và chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến du lịch bản Cát Cát trong thời gian sắp tới!

Rate this post
Rate this post
:

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Tin tức khác