Nậm Cang ở đâu? Kinh nghiệm ăn chơi tại thiên đường ruộng bậc thang

Khi vi vu khắp những cung đường tuyệt đẹp của “xứ sở thần tiên” Sa Pa, du khách sẽ phát hiện ra một thôn bản hẻo lánh ẩn mình giữa đại ngàn Hoàng Liên mang tên Nậm Cang. Nhờ nằm tách biệt khá xa so với trung tâm thị xã nhộn nhịp, địa danh này vẫn giữ được những đường nét hoang sơ và bản sắc văn hóa truyền thống. Hãy cùng Sun World khám phá những trải nghiệm du lịch đáng nhớ tại bản Nậm Cang Sa Pa thông qua bài viết dưới đây.

Nậm Cang Sapa nhìn trên bản đồ vệ tinh
Vị trí của bản Nậm Cang trên bản đồ vệ tinh (Nguồn: Google Maps)
  • Vị trí: X. Liên Minh, TX. Sa Pa, tỉnh Lào Cai
  • Khoảng cách từ trung tâm thị xã Sa Pa: 36,5km về hướng Đông Nam
  • Cung đường: trung tâm TX. Sa Pa/Hầu Thào/Lao Chải ⇒ bãi đá cổ Sa Pa ⇒ bản Nậm Cang
  • Phương thức di chuyển: xe máy, taxi, xe ô tô cá nhân
  • Thời gian trải nghiệm: 1 – 2 ngày
  • Các hoạt động nên thử: tham quan, chụp ảnh, dã ngoại, tắm suối thác, tắm lá thuốc của người Dao đỏ, nghỉ dưỡng…
  • Chi phí ước tính: 500.000 – 1.000.000 VNĐ/người
  • Chỉ đường: Tại đây

Bản Nậm Cang ở đâu?

Bản Nậm Cang tọa lạc sâu trong dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc địa phận xã Liên Minh, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thị xã khoảng 36,5km về hướng Đông Nam. Đây là nơi sinh sống bình lặng của cộng đồng người Dao đỏ – H’Mông đen với chưa đến 300 hộ gia đình và hơn 1.500 nhân khẩu. Trên đường ghé thăm bản Nậm Cang, bạn có thể kết hợp tham quan bãi đá cổ Sa Pa tại thung lũng Mường Hoa hoặc cụm bản Lao Chải – Tả Van xinh đẹp.

Nậm Cang Sapa nhìn trên bản đồ vệ tinh
Vị trí của bản Nậm Cang trên bản đồ vệ tinh (Nguồn: Google Maps)

3 thời điểm nên du lịch Nậm Cang

Vào mỗi thời điểm trong năm, cảnh vật thiên nhiên bản Nậm Cang lại khoác lên lớp áo đặc trưng riêng biệt. Đó có thể là mặt nước tráng gương mùa nước đổ, đồng ruộng xanh ngát thì con gái hay thảm lụa vàng thơm hương lúa chín.

Mùa nước đổ (tháng 4 – 6) 

Khi tiết trời Sa Pa chuyển từ xuân sang hạ, cánh hoa đào, hoa mận rụng dần theo những cơn mưa và báo hiệu cho một mùa canh tác mới. Những thửa ruộng bậc thang khô cằn của Nậm Cang Sa Pa bỗng chốc được đổ nước đầy ươm. Mặt nước sóng sánh như gương, phản chiếu bầu trời trong xanh và dãy núi sừng sững, xung quanh lún phún những gốc mạ non đang cấy dở. Tất cả tạo nên một khung cảnh ngoạn mục, rung động lòng người, dẫn dắt du khách đến bản làng vùng cao nơi đất trời giao thoa.

Ruộng bậc thang mùa nước đổ tại bản Nậm Cang Sapa
Ruộng bậc thang mùa nước đổ như những mảnh gương tráng bạc phản chiếu thế gian (Nguồn: Báo Dân trí)
Hình ảnh người dân bản Nậm Cang bận rộn đồng áng bên ánh chiều muộn
Dân bản bận rộn công việc đồng áng đến chiều muộn để chuẩn bị cho vụ canh tác mới (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Mùa lúa đang thì con gái (tháng 8)

Khi bản Nậm Cang vào độ tháng 8, những gốc mạ non đã kịp sinh trưởng thành cây lúa đang thì con gái, uốn lượn khắp các triền đồi và đung đưa dập dìu theo gió trời lồng lộng. Sắc xanh mơn mởn của ruộng bậc thang hòa quyện cùng những vạt rừng Tây Bắc hoang sơ, phác họa nên bức tranh đồng quê giản dị và thanh bình. Đắm mình giữa những con “sóng” lúa lăn tăn, du khách có thể cảm nhận được nhựa sống căng tràn trong mỗi nhành cây, ngọn cỏ xanh rì.

Xã Nậm Cang Sapa vào mùa lúa đang thì con gái
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bản làng Nậm Cang vào mùa lúa đang thì con gái (Nguồn: @rosiedaohn)
Thân lúa vươn mình đón nắng sớm
Những thân lúa vươn mình thẳng tắp đón ánh nắng ấm áp và gió trời mát mẻ (Nguồn: FB Bản Nậm Cang – Sa Pa)

Mùa lúa chín (tháng 9) 

Cứ đến vụ thu hoạch tháng 9, lữ khách miền xuôi lại rỉ tai nhắc khéo nhau về mùa “săn” lúa lý tưởng bậc nhất tại Nậm Cang Sa Pa. Bấy giờ, bạn sẽ được chiêm ngưỡng thảm lụa vàng ươm được dệt nên từ hàng vạn thân lúa trĩu hạt, điểm xuyết những tia nắng cuối thu dịu dàng, ấm áp. Hương thơm lúa chín phảng phất vào trong những làn gió se lạnh, len lỏi khắp mọi ngóc ngách của bản làng và mang đến cho du khách cảm giác thư giãn, khoan khoái sau những bộn bề, lo toan của đời sống thường nhật.

Ruộng bậc thang tại bản Nậm Cang trong khoảnh khắc “thay áo mới”
Khoảnh khắc “thay áo mới” của ruộng bậc thang Nậm Cang (Nguồn: Vietnam Tourism)
Du khách chụp ảnh trước cánh đồng lúa trải dài bất tận
Ngây ngất trước thảm lụa vàng ươm trải dài bất tận (Nguồn: FB Bản Nậm Cang – Sa Pa)

>>> Khám phá quảng trường SaPa và vẻ đẹp của ruộng bậc thang SaPa tại đây.

Hướng dẫn di chuyển đến bản Nậm Cang Sa Pa

Để thuận tiện di chuyển đến bản Nậm Cang, du khách có thể tham khảo lộ trình và những phương tiện sau đây.

3.1. Cung đường di chuyển đến bản Nậm Cang Sa Pa 

Trước khi ghé thăm Nậm Cang, du khách có thể vui chơi tại thị trấn mù sương Sa Pa, dạo quanh xã Hầu Thào hoặc bản Lao Chải. Đây cũng là ba vị trí xuất phát chính có cùng điểm giao nhau tại bãi đá cổ Sa Pa, cụ thể:

  • Trung tâm thị xã Sa Pa – bãi đá cổ Sa Pa: Bạn đi theo hướng đường Thạch Sơn đến phố Cầu Mây, sau đó chuyển sang phố Mường Hoa và men theo tỉnh lộ 152 để đến khu chạm khắc đá cổ. Lộ trình dài khoảng 9km và mất 20 phút di chuyển.
  • Trung tâm xã Hầu Thào – bãi đá cổ Sa Pa: Ban đi về hướng Tửu Quán Mây Lang Thang, sau đó rẽ trái vào tỉnh lộ 152 và đi thẳng về bãi đá cổ. Lộ trình dài khoảng 13km và mất 30 phút di chuyển.
  • Trung tâm bản Lao Chải – bãi đá cổ Sa Pa: Bạn men theo đường làng ra thung lũng Mường Hoa, tiếp đó rẽ phải vào tỉnh lộ 152 và đi đến bãi đá cổ. Lộ trình dài khoảng 5km và mất 15 phút di chuyển.

Từ bãi đá cổ Sa Pa, du khách tiếp tục đi thẳng theo tỉnh lộ 152 rồi rẽ chếch sang trái vào đường làng Sử Pán. Khi đi qua khách sạn Thùy Dương, bạn chú ý rẽ phải vào lại tỉnh lộ 152, sau đó đi dọc theo trục đường bản Dền để đến đích đến cuối cùng là bản Nậm Cang. Lộ trình dài khoảng 27km và mất khoảng 1 tiếng di chuyển.

Bản đồ đường đi từ bãi đá cổ Sa Pa đến bản Nậm Cang
Tuyến đường từ bãi đá cổ Sa Pa đến bản Nậm Cang (Nguồn: Google Maps)

3.2. 3 phương tiện phù hợp 

Du khách có thể cân nhắc lựa chọn di chuyển đến bản Nậm Cang bằng xe máy, taxi hoặc xe ô tô cá nhân dựa trên nhu cầu và sở thích của mình.

3.2.1. Xe máy:

  • Ưu điểm: tính linh hoạt cao, di chuyển nhanh chóng trên đường đèo.
  • Đối tượng phù hợp: nhóm bạn trẻ hoặc dân mê “phượt”.
  • Chi phí thuê xe tham khảo: 80.000 – 100.000 VNĐ đối với xe số, 120.000 – 150.000 VNĐ đối với xe tay ga.
  • Gợi ý điểm thuê xe máy: Mr Cò (0986 073 559), Mr Điệp (0912 435 006), Tiến VP (0969 999 583)…
  • Lưu ý khi di chuyển: đổ xăng đầy bình tại thị xã Sa Pa, kiểm tra kỹ chất lượng xe, hạn chế mang theo đồ đạc cồng kềnh.
Xe máy là phương tiện được ưa chuộng khi đi du lịch Nậm Cang nói riêng và Sa Pa nói chung
Xe máy là phương tiện được nhiều bạn trẻ ưa chuộng khi đi du lịch Sa Pa (Nguồn: Meditours)

3.2.2. Taxi:

  • Ưu điểm: mạng lưới taxi hoạt động liên tục, đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách.
  • Đối tượng phù hợp: những nhóm khách nhỏ từ 2 đến 6 người.
  • Chi phí taxi tham khảo: 400.000 – 450.000 VNĐ/lượt (tính trên quãng đường từ thị xã Sa Pa đến bản Nậm Cang).
  • Gợi ý hãng taxi uy tín: Taxi Xanh Sapa (02143 636 363), Taxi Mai Linh Lào Cai (02143 767 676), Taxi Hiếu Hồng (02143 820 820)…
  • Lưu ý khi di chuyển: đảm bảo lên đúng xe đã đặt qua số hotline, kiểm tra lại hành lý cá nhân trước khi rời xe.
Du khách có thể lựa chọn taxi để di chuyển đến Nậm Cang Sapa
Mạng lưới taxi tại Sa Pa đang ngày càng được nâng cấp hiện đại (Nguồn: Báo VnExpress)

3.2.3. Xe ô tô cá nhân:

  • Ưu điểm: chủ động trong giờ giấc, không cần phải chờ đợi thuê xe hoặc đón taxi.
  • Đối tượng phù hợp: những nhóm khách gia đình hoặc đi theo tour bao gồm trẻ em, người lớn tuổi.
  • Chi phí xăng xe tham khảo: 100.000 – 150.000 VNĐ (tính trên khoảng 70km tuyến đường cả đi lẫn về).
  • Lưu ý khi di chuyển: đổ xăng đầy bình tại thị xã Sa Pa, trang bị sẵn phụ tùng thay thế, lưu số dịch vụ kỹ thuật để đề phòng sự cố.
Sử dụng xe oto cá nhân khi đến bản Nậm Cang Sapa
Sử dụng xe ô tô cá nhân giúp bạn chủ động hơn trong giờ giấc di chuyển (Nguồn: Freepik)

6 địa điểm & trải nghiệm không thể bỏ lỡ tại bản Nậm Cang

Mặc dù không phải bản làng trọng điểm của ngành du lịch Sa Pa nhưng Nậm Cang vẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng nhờ những địa điểm thú vị và trải nghiệm đặc trưng.

Ngắm vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang & đồi mâm xôi

Không cần thông qua lăng kính đa cảm của người nghệ sĩ, du khách cũng có thể cảm nhận vẻ đẹp thi vị mỗi mùa mỗi vẻ của ruộng bậc thang Nậm Cang. Với địa hình thung lũng lòng chảo màu mỡ, không gian bản làng được bao phủ hoàn toàn bởi những thửa ruộng bao la, quấn quít khắp các sườn đồi, xen lẫn những mỏm đá tai mèo hay ngôi nhà gỗ nhỏ. Đặc biệt, nơi đây còn gây ấn tượng với những đồi ruộng dốc tròn, nhìn từ xa trông như quả mâm xôi khổng lồ được bơm đầy kết hợp những đường cong mềm mại sắp xếp lớp lang.

Bản Nậm Cang là tọa độ “săn” lúa lý tưởng
Bản Nậm Cang là tọa độ “săn” lúa lý tưởng bậc nhất, nằm ở tận cùng phía Đông Nam Sa Pa (Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị)
Khung cảnh ruộng bậc thang vào buổi chiều tà
Những mảnh gương ruộng đầy ắp nước phản chiếu ánh hoàng hôn đỏ rực (Nguồn: Topas Ecolodge)
Ruộng bậc thang xem lẫn với những mảng cây cối tươi tốt tại xã Nậm Cang
Đồng ruộng bậc thang phủ kín khắp triền đồi, xen lẫn những mảng cây cối tươi tốt (Nguồn: FB Hà Cường)
Căn nhà gỗ thô sơ được dựng lên giữa vùng nương rẫy xanh mướt
Căn nhà gỗ thô sơ được dựng lên giữa vùng nương rẫy xanh mướt (Nguồn: Vietnam Beauty)
Đồi mâm xôi tròn trịa - kiến trúc tự nhiên đậm chất riêng của xã Nậm Cang Sapa
Đồi mâm xôi tròn trịa – kiến trúc tự nhiên đậm chất nghệ thuật mà khó có thể tìm thấy ở nơi khác ngoài xã Nậm Cang Sapa (Nguồn: Vietsky Tourism)

Tản bộ trên con đường làng quanh co dọc theo bản Nậm Cang, du khách có thể chiêm ngưỡng hai bên nương rẫy lúc thì sóng sánh ánh bạc mùa nước đổ, lúc lại xanh ngát một màu hoặc vàng ruộm óng ả. Thỉnh thoảng, những cơn gió nhẹ lùa qua, khẽ khàng lay động thân lúa, mang theo hương đồng cỏ nội quyến rũ giữa tiết trời mát mẻ, khoáng đạt. Quanh ruộng bậc thang đôi lúc bắt gặp những đàn trâu chăm chỉ cày bừa hay những người nông dân miền núi tất bật với công việc đồng áng, tô điểm thêm nét đẹp lao động xứ Tây Bắc.

Du khách tản bộ trên con đường làng với hai hàng lúa chín rộ
Hào hứng tản bộ trên con đường làng với hai hàng lúa chín rộ (Nguồn: FB Bích Đào)
Du khách check in giữa đồng ruộng bát ngát
Hóng gió giữa những gợn “sóng” lăn tăn của đồng ruộng bát ngát (Nguồn: FB Bản Nậm Cang – Sa Pa)
Du khách lưu lại khoảnh khắc yên bình bên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn
Ngồi lại sườn đồi và lặng yên ngắm nhìn ruộng bậc thang Nậm Cang uốn lượn như sóng vỗ (Nguồn: FB Bùi Quyết)
Du khách thả hồn giữa hương thơm lúa chín tại Nậm Cang Sapa
Thả hồn giữa hương thơm lúa chín ngào ngạt tại Nậm Cang Sa Pa (Nguồn: Báo Tiền phong)
Nét đẹp lao động của người dân xã Nậm Cang
Cảm nhận nét đẹp lao động Tây Bắc qua những người nông dân chất phác, hiền hậu (Nguồn: VnExpress)

Lưu ý khi trải nghiệm ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang và đồi mâm xôi:

  • Nên đi lên những sườn đồi cao, thông thoáng để ngắm nhìn trọn vẹn các thửa ruộng bậc thang mênh mông.
  • Chú ý không dẫm chân lên cây lúa khi di chuyển quanh đồng ruộng.

Check-in những căn nhà gỗ dọc đường

Thong dong khắp nẻo đường Nậm Cang, tín đồ đam mê “sống ảo” không nên bỏ qua cơ hội check-in cùng các ngôi nhà gỗ nằm nép mình bên các sườn núi, sườn đồi. Đó có thể là nhà sàn gỗ pơ mu truyền thống gắn bó với đồng bào dân tộc qua nhiều thế kỷ hoặc căn chòi nhỏ bé, cũ kỹ thường được sử dụng làm nơi canh lúa, cất giữ nông cụ. Các ngôi nhà phân bố lác đác, cách nhau đến vài trăm mét và được bao bọc bởi cánh đồng lúa miên man.

Ảnh check-in của du khách tại Nậm Cang
Mãn nhãn với ảnh check-in của du khách tại nhà gỗ nhỏ với phông nền là đồng ruộng mùa vàng và con suối trong veo (Nguồn: FB Nguyễn Huy)

Đứng trên những tấm ván gỗ nhuốm màu thời gian của các căn nhà sàn, du khách có thể hướng ống kính máy ảnh về những tầng ruộng bậc thang lượn sóng, con suối chảy hiền hòa cùng dãy núi cao vời vợi, thấp thoáng sương mây phiêu lãng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chụp từ phía chính diện ngôi nhà, khắc họa nên khung ảnh trầm mặc, nhẹ nhàng nhưng cũng rất đỗi nên thơ, lãng mạn.

Những ngôi nhà của cộng đồng người Dao đỏ - H’Mông đen tại xã Nậm Cang Sapa
Những ngôi nhà mộc mạc, bình dị – nơi ghi dấu đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Dao đỏ – H’Mông đen tại Nậm Cang (Nguồn: VnExpress)

Lưu ý khi trải nghiệm check-in những căn nhà gỗ dọc đường:

  • Xin phép chủ nhà trước khi vào tham quan và chụp ảnh.
  • Nên chọn những bộ trang phục màu trơn, cổ điển hoặc họa tiết thổ cẩm để phù hợp với địa điểm check-in.

Đắm chìm trong làn nước mát của thác Một Cây

Thác Một Cây là địa điểm tắm mát yêu thích của du khách khi đi bộ trekking xuyên qua rừng rậm Nậm Cang. Ngọn thác có độ cao vỏn vẹn chỉ 3 đến 4 mét, ngày đêm miệt mài đổ nước từ thượng nguồn về đến dòng suối nhỏ. Hai bên vách thác là những bụi cây rừng mọc dại um tùm và những mô đá nhấp nhô phủ đầy rêu phong.

Thác Một Cây là tọa độ yêu thích của các trekker khi chinh phục đường rừng Nậm Cang
Thác Một Cây là tọa độ yêu thích của các trekker khi chinh phục đường rừng Nậm Cang (Nguồn: Uyên Trần)

Khi ghé thăm thác Một Cây vào những tháng hè oi bức, du khách có thể thoải mái đắm mình trong làn nước trong veo, mát mẻ, nhìn thấy được cả lòng suối lấp lánh ánh hổ phách và những đàn cá nhỏ bơi lội tung tăng. Tiếng thác đổ không rền vang, mãnh liệt như thác Bạc, thác tình yêu mà lại có phần râm ran, êm ả như một tình khúc du dương của rừng già. Qua đó, du khách có thể gần gũi hơn với thiên nhiên Nậm Cang và xua tan những mệt nhọc, căng thẳng.

Bọt nước trắng xoá tại thác Một Cây
Du khách tắm mát, bơi lội bên cạnh dòng thác đang tuôn trào bọt nước trắng xóa (Nguồn: Best Hoang Gaming)

Lưu ý khi trải nghiệm tắm mát tại thác Một Cây:

  • Nên nhờ người trong bản hoặc hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm chỉ đường đến thác.
  • Mang theo khăn tắm và trang phục để thay.
  • Làm quen với nhiệt độ nước trước khi xuống tắm để tránh sốc nhiệt.

Tổ chức ăn uống, picnic tại suối Nậm Cang

Trong phương ngữ địa phương, Nậm Cang có nghĩa là “nước ở đầu nguồn” – tức ám chỉ vị trí khởi nguồn của ba dòng suối Nậm Cang, Nậm Thang và Nậm Pá. Trong đó, suối Nậm Cang tựa như một sợi dây thừng vắt ngang bản làng, cung cấp nước sạch sinh hoạt và tưới tiêu cho đồng ruộng xanh tốt. Dừng chân hai bên dòng suối, du khách có thể tổ chức ăn uống, picnic cùng gia đình, bạn bè và lắng nghe tiếng nước chảy róc rách vui tai.

Du khách nghỉ ngơi, lắng nghe dòng chảy êm đền của suối Nậm Cang
Du khách nghỉ ngơi dưới tán cây đổ bóng và lắng nghe dòng chảy êm đềm của suối Nậm Cang (Nguồn: Ngọc Lâm)

Để có chuyến dã ngoại, trải nghiệm ẩm thực như ý tại suối Nậm Cang, du khách nên chọn những đoạn suối có cây xanh che nắng hoặc quán nước/quán ăn ven đường có tầm nhìn hướng về lòng suối trong veo. Trong bầu không khí trong lành và tiếng nước chảy hiền hòa, bạn có thể nhâm nhi tách cà phê ấm nóng hoặc thưởng thức rượu ngô cay nồng cùng những món đặc sản trứ danh Tây Bắc như xôi ngũ sắc, gà nướng, thắng cố ngựa, cơm lam, thịt trâu gác bếp…

Thưởng thức xôi ngũ sắc và gà nướng bên dòng suối Nậm Cang
Thưởng thức xôi ngũ sắc và gà nướng thơm ngon bên dòng suối Nậm Cang (Nguồn: Báo Lao động)

Lưu ý khi trải nghiệm tổ chức ăn uống, picnic tại suối Nậm Cang:

  • Cẩn thận trơn trượt khi đi qua những tảng đá quanh suối.
  • Không vứt rác xuống dòng suối gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

Mặc thử trang phục của người dân tộc

Nếu muốn hòa nhập vào bản sắc văn hóa của người vùng cao và thỏa sức check-in tại bất kỳ tọa độ nào tại Nậm Cang, du khách có thể hóa thân thành chàng trai, cô gái miền sơn cước trong trang phục dân tộc. Qua đó, bạn sẽ phát hiện sự tinh tế trong từng đường kim, mũi chỉ của người thợ may, sắc chàm đen duyên dáng trên vải lanh, những họa tiết thổ cẩm rực rỡ hay những trang sức bằng bạc cầu kỳ phối trên quần, áo, yếm, khăn… để tạo thành tổng thể thống nhất.

Du khách được đan bản địa đội khăn vấn đầu của người Dao đỏ
Chiếc khăn vấn đầu giúp du khách hóa thân thành người đồng bào Dao đỏ (Nguồn: Lào Cai Tourism)

Du khách có thể thuê trang phục dân tộc tại thị xã Sa Pa hoặc nhà dân trong bản Nậm Cang với giá khoảng 30.000 – 50.000 VNĐ/bộ. Tung tăng trong bộ cánh truyền thống, bạn được dịp “trà trộn” vào thôn làng và hiểu thêm về nếp sống, phong tục, tập quán địa phương như một người bản xứ thực thụ. Đặc biệt, bộ trang phục cũng giúp những khung hình “sống ảo” của bạn trở nên lung linh và sống động hơn bao giờ hết.

Đôi bạn trẻ check-in tại ruộng bậc thang trong bộ trang phục dân tộc sặc sỡ
Đôi bạn trẻ rong ruổi check-in quanh những thửa ruộng bậc thang trong tà áo sặc sỡ (Nguồn: Tạp chí Doanh nghiệp)

Lưu ý khi trải nghiệm mặc thử trang phục của người dân tộc:

  • Kiểm tra kỹ chất lượng trang phục trước khi thuê và bảo quản cẩn thận trong quá trình thuê.
  • Không nên phối lại đồ truyền thống theo kiểu cắt xẻ phá cách, dễ gây phản cảm.

Tìm hiểu văn hóa & tắm lá thuốc người Dao đỏ

Nậm Cang không chỉ hấp dẫn nhờ cảnh đẹp phong phú mà được yêu mến bởi bản sắc văn hóa đặc sắc, không bị mai một theo quá trình công nghiệp hóa hiện đại. Ghé thăm những ngôi nhà dân vẫn còn giữ nghề truyền thống, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các công đoạn nhuộm chàm, dệt thổ cẩm, làm giấy gió, chạm khắc trang sức bằng bạc… Bạn sẽ được những người nghệ nhân lành nghề hướng dẫn làm ra mảnh vải, tranh giấy mang dấu ấn của riêng mình để mang về làm kỷ niệm.

Nghề chạm khắc bạc tại xã Nậm Cang
Nghề chạm khắc bạc tại xã Nậm Cang vẫn được cư dân bản địa bảo tồn và phát huy (Nguồn: Báo Lao động)

Ngoài ra, bạn nên trải nghiệm tắm lá thuốc của người Dao đỏ sau một ngày dài khám phá bản Nậm Cang tại nơi lưu trú hoặc các khu dịch vụ. Thả mình vào bồn gỗ ngập nước, bạn sẽ cảm nhận được hương thơm nhẹ nhàng, thoang thoảng của hơn hai 20 loại dược liệu quý hiếm được hái từ rừng đại ngàn. Phương thức tắm độc đáo này vừa giúp du khách thư thái tinh thần, vừa có tác dụng hỗ trợ điều trị một số chứng bệnh liên quan đến da liễu, xương khớp.

Trải nghiệm tắm lá thuốc người Dao đỏ
Thư giãn ngâm mình trong hương thơm thảo mộc dịu nhẹ (Nguồn: DulichToday)

Lưu ý khi tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm tắm lá thuốc người Dao đỏ:

  • Giữ tác phong thân thiện, tôn trọng sự khác biệt trong văn hóa vùng miền.
  • Nên giữ nhiệt độ nước tắm trong khoảng 37 – 40 độ C và ngâm mình trong khoảng 30 – 45 phút để các hoạt chất ngấm đều vào cơ thể.

5. 4 địa điểm du lịch lân cận khác gần Nậm Cang 

Trong khu vực lân cận Nậm Cang, du khách có thể bổ sung thêm một số điểm du lịch khác vào lộ trình khám phá Sa Pa của mình.

5.1. Đỉnh Nam Kang Ho Tao/ Sinh Tcha Pao 

Đỉnh Nam Kang Ho Tao cao 2.881m và Sinh Tcha Pao cao 2.878m là hai cung đường trekking, leo núi hiểm trở, cheo leo bậc nhất, có vị trí xuất phát gần bản Nậm Cang. Đường lên đỉnh núi tựa như một mê cung bí ẩn, nhiều đoạn phải trườn bò bằng cả tay và chân để vượt qua những vách đá dựng đứng, vực sâu thăm thẳm. Hai địa danh này đã tạo nguồn cảm hứng bất tận cho con người nuôi dưỡng khát khao chinh phục thiên nhiên, thử thách giới hạn của chính bản thân và khai phá nên những chân trời mới.

Cung đường leo lên đỉnh Nam Kang Ho Tao/ Sinh Tcha Pao - khu vực lân cận bản nậm cang sapa xã Nậm Cang Sapa
Cung đường leo núi đòi hỏi du khách phải trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng sinh tồn (Nguồn: VnExpress)

5.2. Vườn quốc gia Hoàng Liên

Bản Nậm Cang thực chất nằm trong địa phận của Vườn quốc gia Hoàng Liên, sở hữu hệ sinh thái đa dạng, phong phú và sinh cảnh rừng đặc trưng. Tại đây, du khách có thể đăng ký tour trekking xuyên rừng để “truy vết” những thân cây cổ thụ trăm năm, chiêm ngắm những loài hoa rừng khoe sắc và thưởng thức tiếng chim kêu thánh thót, rộn ràng.

Hệ sinh thái phong phú tại Vườn quốc gia Hoàng Liên
Khám phá hệ sinh thái đa dạng, phong phú của Vườn quốc gia Hoàng Liên (Nguồn: Uyên Trần)

5.3. Thác suối Nhuần 

Từ bản Nậm Cang, du khách di chuyển bằng xe máy trên đường đèo khoảng 53km để đến với thác suối Nhuần – đài nước phân tầng với vẻ đẹp mộng mị, chân nguyên giữa núi rừng Tây Bắc. Con thác đồ về từ triền núi cao, va đập vào vách đá tạo thành những bọt nước trắng xóa, gầm rú khúc hùng ca rền vang đất trời, sau lại lướt êm như mây qua những bụi cây, nương rẫy.

Cận cảnh thác suối Nhuần
Thác suối Nhuần lọt thỏm giữa sắc xanh của rừng cây rậm rạp (Nguồn: Nguyễn Tiến Dũng)

5.4. Đập thủy điện Nậm Nhùn 2

Đập thủy điện Nậm Nhùn 2 cách thác suối Nhuần khoảng 15km về hướng Nam, là nơi kiểm soát lũ lụt và cung cấp điện năng cho các bản làng vùng sâu, vùng xa. Con đập được xây dựng bằng vật liệu vững chắc, cắt ngang dòng suối xanh màu ngọc bích. Đứng trên đập thủy điện, du khách có thể hòa mình vào những cơn gió trời mát mẻ và không gian yên ắng, tĩnh mịch.

Cạn cảnh đập thủy điện Nậm Nhùn
Cận cảnh đập thủy điện Nậm Nhùn 2 cắt ngang dòng suối trong xanh (Nguồn: Phương Trần)

4 kinh nghiệm từ du khách đi trước khi ghé thăm Nậm Cang

Dựa trên nhận xét, đánh giá của các du khách đã từng ghé thăm Nậm Cang, Sun World xin chia sẻ đến bạn một số kinh nghiệm thực tiễn hữu ích sau đây.

Mang sẵn đồ ăn hoặc đặt món trước 

Nếu muốn ăn uống tự túc, bạn nên mua sẵn lượng thực phẩm cần thiết theo số lượng người và lịch trình du lịch tại thị xã Sa Pa, chẳng hạn như nước uống đóng chai, bánh mì, mì gói, lương khô, thịt cá đóng hộp, đồ ăn vặt… Mặt khác, nếu muốn ăn trưa tại nhà dân, điểm lưu trú hoặc các hàng quán địa phương, bạn nên liên hệ đặt món trước để người chủ kịp thời chuẩn bị.

Du khách chia sẻ kinh nghiệm ăn uống tại bản Nậm Cang
Bạn Hoàng Thu Tấm chia sẻ kinh nghiệm ăn uống tại bản Nậm Cang

Đặt trước chỗ nghỉ 

Bản Nậm Cang không có nhiều điểm lưu trú chuyên dụng, nổi bật nhất có lẽ chỉ có homestay Tả Mẩy hoặc khu nghỉ dưỡng Topas Riverside Lodge. Do đó, bạn nên liên hệ đặt phòng trước khoảng 1 – 2 tuần đối với ngày thường và ít nhất 1 tháng đối với ngày lễ Tết để tránh trường hợp hết phòng sớm. Ngoài ra, bạn cũng có thể nghỉ lại qua đêm tại nhà dân trong bản để trải nghiệm chân thật đời sống của người đồng bào.

Du khách chia sẻ về giá phòng khi lưu trú qua đêm tại bản
Cô nàng Bích Thùy cho biết mức giá phòng trung bình tại thôn bản

Hỏi trước dân bản địa hoặc du khách đi trước về thời điểm ghé bản

Mùa nước đổ hoặc mùa lúa chín tại xã Nâm Cang có thể đến sớm hoặc muộn hơn dự kiến tùy vào điều kiện thời tiết thất thường hoặc kế hoạch canh tác mỗi năm. Vì vậy, trước khi di chuyển đến đây, bạn nên hỏi thăm người dân địa phương hoặc du khách đi trước về tình hình mùa vụ tại bạn để có kế hoạch du lịch phù hợp. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tra cứu thông tin về Nậm Cang trên các hội nhóm Facebook và ưu tiên đọc những bài đánh giá mới nhất.

Du khách để lại kinh nghiệm về thời điểm lúa chín tại bản Nậm Cang Sapa
Tình hình lúa chín vào cuối tháng 7/2023 qua lời kể của anh Bùi Quyết – quản trị viên hội nhóm Sapa Tất Tần Tất

Sạc đầy pin điện thoại và mang theo sạc dự phòng

Để có thể thoải mái check-in “cháy máy” và lưu giữ những khoảnh khắc đẹp tại bản Nậm Cang Sa Pa, du khách nên sạc đầy pin điện thoại và mang theo sạc dự phòng với mức dung lượng từ 10.000mAh (đủ dùng trong khoảng một ngày). Bạn có thể tham khảo một số hãng sạc dự phòng uy tín với nhiều mẫu mã đa dạng như Xiaomi, Samsung, Anker, AVA…

Chia sẻ của du khách về việc chuẩn bị sạc dự phòng và sạc pin điện thoại đầy đủ để phục vụ cho việc check in
Anh Bùi Quyết nhắc khéo du khách cần sạc pin đầy đủ và mang theo sạc dự phòng

Dẫu không đông vui, náo nhiệt như thị xã Sa Pa, cũng không được chú trọng đầu tư du lịch như bản Lao Chải – Tả Van, ấy vậy mà quang cảnh hoang sơ, hữu tình của Nậm Cang vẫn làm cánh nhà báo phải tiêu tốn giấy mực để ngợi ca, tán thán. Nếu đang có kế hoạch tham quan, nghỉ dưỡng tại Sa Pa, đừng bỏ quên địa danh này trong lịch trình của mình bạn nhé!

Rate this post
Rate this post
:

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Tin tức khác