Con người Tây Bắc sở hữu nếp sống đậm đà bản sắc văn hóa thể hiện qua những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, ngôi nhà gỗ pơ mu thô sơ và những phiên chợ tình náo nhiệt. Trong đó, trải nghiệm tại chợ tình Sa Pa đã khắc sâu vào trí nhớ của du khách trong mỗi dịp ghé thăm “thị trấn sương mù”. Đó có thể là hình ảnh những gian hàng ẩm thực thơm ngon, tiếng nhạc cụ dân tộc vang vọng trong trẻo hay điệu hát giao duyên ân tình của những cặp nam thanh nữ tú.
Chợ tình Sa Pa là gì? Tổ chức ở đâu?
Chợ tình Sa Pa đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tập thể của cộng đồng người dân tộc thiểu số tại Lào Cai và thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách. Mặc dù tên gọi là “chợ” nhưng thực chất nơi này không ai bán cũng chẳng ai mua. Đây đơn thuần chỉ là địa điểm thanh niên nam nữ tụ hội, cùng nhau hát hò, nhảy múa vui vẻ và tham gia nhiều trò chơi dân gian thú vị.
Chợ tình Sa Pa ở đâu là thắc mắc chung của nhiều du khách khi nhắc tới địa điểm du lịch này. Lễ hội chợ tình Sa P thường được người bản xứ tổ chức ở một bãi đất trống trước thềm phiên chợ xuân đầu năm. Trong những năm gần đây, chợ tình diễn ra cố định tại quảng trường trung tâm thị xã, phía trước nhà thờ đá Sa Pa. Không gian rộng rãi, thoáng đãng của quảng trường cung cấp sức chứa lớn, giúp nhiều du khách có cơ hội thưởng thức những tiết mục trình diễn văn nghệ công phu.
Nguồn gốc chợ tình Sa Pa
Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đường giao thông Sa Pa còn nhiều hạn chế, gây khó khăn cho việc trao đổi mua bán giữa người đồng bào vùng cao. Bấy giờ, công tác vận chuyển hàng hóa chủ yếu sử dụng sức ngựa, sức người nên không thể tổ chức họp chợ thường xuyên. Người đồng bào phải xuất phát trước đó một ngày, ngủ lại qua đêm tại thị trấn để chuẩn bị cho phiên chợ vào sáng hôm sau. Do vậy, buổi tối trước phiên chợ bỗng chốc biến thành cơ hội lý tưởng để các tình lữ gặp gỡ và hoan hỉ mừng vui trong âm thanh rộn ràng của tiếng đàn, tiếng nhạc.
Vậy chợ tình Sa Pa của dân tộc nào? Theo một số tài liệu nghiên cứu, người Dao cư trú tại Sa Pa đã tổ chức hoạt động chợ tình từ thời xa xưa, sau đó dần phổ biến đến các dân tộc khác như H’Mông, Tày, Giáy… Đây là một ngày hội ý nghĩa, nơi các chàng trai, cô gái thỏa sức thổ lộ tình cảm với người thương trong bộ quần áo thổ cẩm truyền thống. Từ đó, chợ tình đã trở thành một phần của văn hóa bản địa, xuất hiện trong tâm thức của người đồng bào một cách dung dị như chính nguồn gốc sơ khai của mình.
Chợ tình Sa Pa vào ngày nào?
Hiện nay, chợ tình Sa Pa được tiến hành dưới sự quản lý của Phòng Du lịch Sa Pa như một loại hình du lịch cộng đồng được nhiều du khách yêu thích. Nếu trước đây, bạn chỉ có thể tham gia chợ tình vào tối thứ Bảy đầu tiên sau Tết thì với chính sách thúc đẩy du lịch, người dân địa phương đã mở rộng tổ chức hoạt động này vào mỗi tối thứ Bảy hàng tuần. Trong khung giờ từ 18h00 đến 22h00, khu quảng trường trung tâm tấp nập dòng người qua lại để cùng hân hoan đàn hát dưới tiết trời mát mẻ.
Ý nghĩa của chợ tình Sa Pa
Theo dòng chảy biến thiên của thời gian, chợ tình Sa Pa đã phát triển thành một sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân miền núi. Cụ thể.
- Nơi tình yêu bắt đầu: Chợ tình là nơi trai gái bản đang tuổi cập kê gửi lời thương yêu và trao kỷ vật định tình. Họ được phép bộc lộ cá tính bản thân và gặp gỡ bạn đời, sau đó cùng nhau kết duyên vợ chồng, ước hẹn trăm năm.
- Lưu giữ nét văn hóa: Các hoạt động văn nghệ trong phiên chợ tình góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của người đồng bào. Những nghệ sĩ địa phương có cơ hội thể hiện tài năng của mình qua những làn điệu dân gian, khúc nhạc dân tộc, đồng thời quảng bá hình ảnh của mảnh đất và con người Sa Pa đến với du khách.
- Gắn kết cộng đồng: Chợ tình cũng là dịp để người đồng bào và du khách tạm gác lại công việc bộn bề và thoải mái giao lưu. Đặc biệt, các trò chơi truyền thống giúp khuấy động bầu không khí và giúp mọi người xích lại gần nhau hơn.
- Phát triển du lịch: Chợ tình là điểm nhấn du lịch gây ấn tượng với du khách trong và ngoài nước khi ghé thăm Sa Pa. Hoạt động này đã và đang góp phần tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà, đảm bảo sinh kế cho các tiểu thương buôn bán gần khu vực tổ chức phiên chợ.
-
>>>Khám phá hang Tả Phìn – bản điêu khắc ấn tượng bằng nhũ thạch bởi tự nhiên!
TOP 6 hoạt động – trải nghiệm thú vị tại chợ tình Sa Pa
Nếu chưa biết chợ tình Sa Pa có gì, khi tham quan chợ tình Sa Pa, du khách không nên bỏ qua những hoạt động – trải nghiệm độc đáo gắn liền với tinh hoa văn hóa vùng miền cũng như ghi lại những kỉ niệm khó quên bên cạnh người thân, bạn bè.
Hòa cùng những điệu múa khèn đặc trưng
Múa khèn là loại hình nghệ thuật truyền thống của người H’Mông kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiếng nhạc cụ dân tộc và vũ đạo uyển chuyển. Được dịp đến phiên chợ tình Sa Pa, những chàng thanh niên miền núi lại xông xáo mang theo chiếc khèn tinh xảo được chế tác từ gỗ thông để cất lên những âm thanh réo rắt. Tiếng khèn có thể vang vọng ngay giữa không gian họp chợ rộn rã tiếng ồn, ngân nga theo những làn gió thấm đẫm hơi sương và khiến các cặp trai gái tình tự xao xuyến khôn nguôi.
Trong lúc tập trung giữ vững cột hơi thổi khèn, những chàng nghệ sĩ xứ lạnh cũng không quên diễn tấu kỹ thuật múa biến hóa liên tục theo từng nhịp nhạc trầm bổng. Các tư thế vũ đạo tương đối khó và tốn nhiều sức lực nên thường chỉ dành cho nam giới. Điệu nhảy chợ tình Sa Pa bao gồm nhiều động tác đa dạng như ngồi xổm, đưa chân, quay hất gót, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa… làm cho nhiều du khách dõi mắt không rời. Xen kẽ giữa màn trình diễn múa khèn, đôi khi, bạn sẽ bắt gặp tiếng sáo trúc, tiếng đàn môi hay các nàng vũ công múa xòe, múa ô trong tà váy thổ cẩm sặc sỡ.
Lưu ý khi hòa cùng những điệu múa khèn đặc trưng:
- Không nên tham gia múa khèn nếu không có nhu cầu tìm bạn cặp tại chợ tình.
- Tránh chạy đùa nghịch tại khu vực biểu diễn múa khèn, gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.
- Có thể ủng hộ tiền, khích lệ tinh thần những người nghệ sĩ múa khèn.
Lắng nghe những câu hát giao duyên
Hát giao duyên là một hình thức xướng ca mang tính nghi lễ nhưng cũng vô cùng gần gũi với người dân Tây Bắc, đặc biệt là người H’Mông và Dao. Buổi hát thường bắt đầu bằng câu “tắng ná tù tì chúa nhì nủ… tắng ạ…” tương tự với câu “hò ơ” trong dân ca quan họ Bắc Ninh. Tiếng nhạc cụ thánh thót làm nổi bật thêm giọng hát ân tình của chàng trai, cô gái thôn quê. Họ hát đối đáp qua lại như một cuộc trò chuyện thân mật và chân thành bày tỏ lòng mình.
Sau ngày làm việc tất bật, lớp thanh niên thôn bản tìm về với chợ tình Sa Pa để khuây khỏa tâm trạng và tìm kiếm bóng dáng người thương. Từng nhóm nam nữ thường đứng tập trung lại một khoảng sân, trao nhau cái nhìn lúng liếng, ánh mắt tình tứ khi đã trót đem lòng cảm mến. Những câu hát giao duyên ngọt ngào cất vang giữa phiên chợ lãng mạn, truyền tải ước nguyện hạnh phúc vẹn tròn của đôi lứa mới lớn. Qua lời ca mộc mạc, họ hiểu hơn về tâm tư đối phương và cân nhắc tiến đến hôn nhân viên mãn.
Lưu ý khi lắng nghe câu hát giao duyên:
- Có thể nhờ người đồng bào dịch nghĩa lời hát giao duyên từ tiếng dân tộc sang tiếng phổ thông.
- Không tự ý hát chen vào giữa đoạn giao duyên, gây rối nhịp điệu bài hát.
Tham gia những trò chơi dân gian độc đáo
Bên cạnh chương trình biểu diễn văn nghệ đặc sắc, chợ tình Sa Pa còn hấp dẫn khách du lịch bởi các trò chơi dân gian lý thú, gợi nhắc bản sắc văn hóa vùng rẻo cao Tây Bắc như kéo co, nắm gòn, đẩy gậy… Tiếng reo hò cổ vũ giúp không khí phiên chợ trở nên sôi động, cuồng nhiệt và khiến ai đi qua cũng phải tò mò dõi theo. Khi tham gia hoạt động này, bạn sẽ được hòa nhập giữa những người bản xứ phồn hậu và tạm gác lại bao mối ưu tư, muộn phiền của cuộc sống phố thị.
Lưu ý khi tham gia những trò chơi dân gian độc đáo:
- Các trò chơi thường được tổ chức nhiều vào mùa đông và mùa xuân để ăn mừng mùa thu hoạch hoặc chào đón năm mới.
- Hạn chế tình trạng chen lấn, xô đẩy trong quá trình chơi hoặc cổ vũ cho các đội chơi.
Thưởng thức ẩm thực Tây Bắc
Rảo bước dọc theo con đường dẫn đến quảng trường trung tâm, du khách có thể tìm thấy nhiều gian hàng đặc sản chợ tình Sa Pa đậm đà hương vị Tây Bắc. Các món ăn được chế biến từ nguyên liệu tươi ngon của thôn bản từ gà, lợn, trâu, cá suối… và tẩm ướp cùng nhiều loại gia vị đặc trưng của núi rừng. Khói bếp tỏa ra nghi ngút đượm hương ngô, khoai, hạt dẻ, thịt nướng, cơm lam quyện cùng mùi thảo quả thơm lừng trong chảo thắng cố dễ dàng chinh phục khứu giác của những vị thực khách khó tính nhất.
Tiết trời mát lạnh tại chợ tình Sa Pa vê đêm, còn gì tuyệt bằng khi vừa thưởng thức những món đặc sản nóng hổi, vừa nhâm nhi chén rượu ngô, rượu táo mèo cay nồng. Hơi men làm cho gương mặt chàng trai, cô gái phiếm hồng như những kẻ say tình ngây ngô. Trên hết, nếu cặp đôi nào đã xác nhận tình nồng ý mật, họ sẽ cùng trao nhau chén rượu giao bôi như một lời thề non hẹn biển trước sự chứng kiến của những người tham gia phiên chợ.
Lưu ý khi thưởng thức ẩm thực Tây Bắc:
- Nên đi theo nhóm đông người để có thể trải nghiệm đủ món, đủ vị.
- Ưu tiên chọn những hàng quán có không gian bếp núc sạch sẽ.
- Cân nhắc trước khi trải nghiệm các món ăn khó thưởng thức như thắng cố ngựa hay nội tạng động vật.
Ghép đôi – giao lưu với nhau
Trong hành trình khám phá vẻ đẹp của chợ tình Sa Pa, du khách có thể hòa mình vào dòng người đông đúc và mạnh dạn ghép đôi – giao lưu với mọi người xung quanh. Không gian văn hóa Tây Bắc gần gũi dường như thu hẹp mọi khoảng cách giữa người với người, giúp bạn thoải mái chuyện trò tâm tình cùng những đối tượng mới quen. Nếu may mắn, bạn có thể gặp gỡ những người đồng điệu trong tâm hồn và bước vào một mối quan hệ mới.
Lưu ý khi ghép đôi – giao lưu với nhau:
- Giữ thái độ lịch sự khi trò chuyện cùng người lạ.
- Từ chối khéo léo nếu không muốn tham gia các tập tục truyền thống trong phiên chợ, chẳng hạn như kéo vợ.
- Nên hỏi rõ thông tin liên lạc của đối tượng ghép đôi nếu có nhu cầu tìm hiểu nhau sâu hơn.
Chụp ảnh lưu giữ những khoảnh khắc đẹp
Đến với chợ tình Sa Pa, du khách sẽ ngỡ ngàng trước những gam màu sắc lung linh đến từ ánh đèn đường ấm áp, váy áo thổ cẩm tinh xảo cùng những chiếc ô xòe trang trí hoa đào, hoa mận. Tất cả tạo nên một phông nền mãn nhãn giữa vùng đồi núi trập trùng, khiến tín đồ “săn” ảnh phải nhanh tay chụp lại để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp. Bạn có thể rủ người thân, bạn bè cùng nhau check-in trước gian hàng ẩm thực phong phú, sân khấu biểu diễn ngoài trời hay trước nhà thờ đá Sa Pa.
Trong quá trình chụp ảnh tại chợ tình, không khó để bạn bắt gặp các tiểu thương người đồng bào đang bận bịu với công việc bán buôn nhỏ lẻ. Thậm chí có những người phụ nữ tần tảo tay này quảy gánh hàng rong, tay kia bồng bế em bé đáng yêu – một khung cảnh rất mực đời thường nhưng gây nhiều xúc động. Nếu muốn xin chụp ảnh cùng người bán hàng, bạn nên chủ động mua một vài món đồ lưu niệm để thể hiện thành ý của mình.
Lưu ý khi chụp ảnh lưu giữ những khoảnh khắc đẹp:
- Ưu tiên chế độ ban đêm trên thiết bị (nếu có) hoặc bật đèn flash để đảm bảo ảnh chụp không bị thiếu sáng, vỡ nét.
- Nên sạc pin đầy đủ và mang theo sạc dự phòng để chụp ảnh “cháy máy” không ngại hết pin.
4 lưu ý khi trải nghiệm chợ tình Sa Pa
Để có chuyến trải nghiệm chợ tình Sa Pa suôn sẻ, du khách nên lưu ý một số vấn đề liên quan đến các cô gái bản, bảo quản tư trang, thời điểm ghé thăm và các quy định của ban tổ chức phiên chợ.
Không trêu ghẹo những cô gái bản khi đến chợ tình
Mỗi thanh niên nam nữ thuộc bản làng vùng cao tham gia chợ tình Sa Pa đều có khao khát tìm kiếm ý trung nhân của đời mình nên họ thường giữ thái độ rất nghiêm túc. Hành động trêu ghẹo ngả ngớn của du khách dành cho những cô gái bản dù xuất phát từ niềm vui vô tư nhưng có thể gây phản cảm với người dân địa phương. Thêm vào đó, nếu cô gái ấy đã có người thương thì bạn có thể gặp rắc rối ngoài ý muốn với những chàng trai khác.
Bảo vệ tư trang cá nhân cẩn thận
Lượng người kéo về chợ tình Sa Pa rất đông đúc, cao điểm là vào khoảng từ 20h00 đến 22h00 tối hoặc dịp lễ Tết đầu xuân. Vì vậy, du khách nên hạn chế mang theo nhiều đồ vật giá trị như vòng vàng, đá quý, trang sức để phòng tránh bị thất lạc hoặc trộm cắp. Ngoài ra, bạn cũng nên bảo quản tiền mặt, điện thoại, giấy tờ tùy thân vào túi xách chắc chắn, mang theo bên người cũng như kiểm tra thường xuyên.
Đến sớm để cảm nhận trọn vẹn không khí chợ
Từ buổi chiều các ngày thứ Bảy trong tuần, quảng trường phía trước nhà thờ đá Sa Pa đã xuất hiện những nhóm người quây quần chuẩn bị cho phiên chợ tình vào buổi tối. Có người dựng sẵn sân khấu để trình diễn tiết mục văn nghệ, có người lại bày biện sạp hàng ẩm thực – lưu niệm dọc theo lề phố để kiếm kế sinh nhai.
Nếu ghé thăm khu chợ sớm, bạn sẽ cảm nhận rõ ràng sự chuyển mình mạnh mẽ giữa không khí ban ngày và ban đêm. Khi tia nắng cuối cùng khuất dạng, hàng trăm lượt người bắt đầu nô nức tìm về chợ tình để vui chơi, giải trí và trải nghiệm nhiều hoạt động giao lưu văn hóa bản địa.
Tuân thủ quy định của ban tổ chức chợ tình Sa Pa
Tính đến thời điểm hiện tại, chợ tình Sa Pa Lào Cai đang thuộc quyền quản lý của cơ quan chính quyền địa phương nhằm mục đích đẩy mạnh phát triển kinh tế – văn hóa – du lịch. Đơn vị này phải đặt ra một số quy định nhất định để đảm bảo vấn đề trật tự an ninh trong phiên chợ truyền thống. Du khách có thể nghe hướng dẫn trực tiếp của ban tổ chức qua hệ thống phát thanh tại quảng trường trung tâm thị xã. Đặc biệt, bạn nên tuân thủ giờ giới nghiêm tại khu chợ, kết thúc các hoạt động sau 22h00 tối để tránh làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của các hộ dân xung quanh.
Không chỉ đơn giản là dịp kết tóc se duyên của những cặp đôi yêu nhau, chợ tình Sa Pa còn phác họa nên bức tranh tổng thể về thiên nhiên hùng vĩ và con người nồng hậu thông qua các hoạt động văn hóa – nghệ thuật. Phiên chợ độc đáo đã đi vào lời thơ của thi sĩ Si Tâm “Dập dìu sắc núi em nghiêm/ Đắm say sơn nữ thôi miên chợ tình” cũng như trở thành nét đẹp du lịch độc đáo nơi đất trời giao thoa.
Leave a Reply