Không chỉ sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hư ảo và khí hậu mát mẻ quanh năm, thị trấn mù sương Sa Pa còn thu hút khách du lịch bởi những phiên chợ thấm đượm bản sắc văn hóa vùng miền. Trong đó, chợ đêm Sa Pa là thiên đường mua sắm – ăn uống – vui chơi về đêm với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng. Hãy cùng Sun World tìm hiểu những thông tin về khu chợ này qua bài viết dưới đây.
|
Chợ đêm Sa Pa ở đâu?
Chợ đêm Sa Pa tọa lạc trong khuôn viên Trung tâm thông tin và xúc tiến Du Lịch Lào Cai trên trục đường N1, tổ 3B thuộc trung tâm thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai (gần bến xe Sa Pa). Khu chợ có diện tích không giới hạn, kéo dài từ các bậc tam cấp trong hẻm, dọc hè phố cho đến những tán cây bên vệ đường. Ghé thăm tọa độ này, bạn sẽ phải trầm trồ trước hơn 80 gian hàng bày bán chủ yếu các mặt hàng truyền thống của người H’Mông và Dao như nông sản, thực phẩm – đồ uống, quần áo – phụ kiện, quà lưu niệm… Với những thông tin vừa kể trên, chắc hăn đã giải đáp được phần nào thắc mắc chợ đêm Sa Pa nằm ở đâu, địa chỉ chợ đêm Sa Pa của không ít khách du lịch lần đầu đến địa điểm này.
Chợ đêm Sa Pa mở những ngày nào? Chợ mở mấy giờ?
Chợ đêm Sa Pa thường mở cửa từ 16h00 chiều đến 22h00 đêm các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần. Khi mặt trời dần khuất bóng sau những dãy núi nhấp nhô, tiết trời dần trở lạnh cũng là lúc người dân và du khách bắt đầu tụ tập về chợ đêm để vui chơi trong bầu không khí sôi động, náo nhiệt. Thông thường, khu chợ thưa thớt người qua lại vào đầu giờ chiều (khoảng 16h00 – 18h00) nhưng càng về đêm (khoảng 20h00 – 22h00), dòng người mua sắm lại càng nhộn nhịp hơn.
>>> Có thể bạn quan tâm: Chợ tình SaPa.
Hướng dẫn di chuyển đến chợ đêm Sa Pa
Để đi đến chợ đêm ở Sa Pa một cách thuận tiện và nhanh chóng, bạn có thể tham khảo lộ trình cũng như phương tiện di chuyển dưới đây.
Trục đường chính đến chợ đêm Sa Pa
Sau một ngày dài khám phá các các điểm du lịch nổi tiếng tại Sa Pa, du khách thường di chuyển ngay về trung tâm để nghỉ ngơi hoặc đến thẳng đến chợ đêm Sa Pa để ăn uống và giải tỏa mệt mỏi. Tùy vào điểm xuất phát khác nhau, lộ trình di chuyển đến địa điểm này cũng có sự thay đổi đáng kể. Chẳng hạn như:
1 – Từ Quảng trường trung tâm thị xã Sa Pa (khoảng 1,5km): Tại khu quảng trường, du khách có thể tham quan nhà thờ đá Sa Pa, sau đó di chuyển theo hướng Đông đường Thạch Sơn khoảng 1,4km và rẽ trái vào Quốc lộ 4D thêm 100m để đến cổng vào chợ đêm ở Sa Pa.
2 – Từ bản Cát Cát (khoảng 4,8km): Sau chuyến trải nghiệm bản Cát Cát với vô vàn góc “sống ảo” mãn nhãn, bạn di chuyển theo tuyến đường Fansipan – Violet khoảng 2,3km. Tiếp theo, bạn rẽ trái vào phố Mường Hoa về đến quảng trường trung tâm và đi theo lộ trình được hướng dẫn bên trên.
3 – Từ thung lũng Mường Hoa (khoảng 9,8km): Vùng thung lũng rộng lớn là nơi du khách có thể ngắm ruộng bậc thang bạt ngàn và thăm thú nếp sống của người đồng bào bản Tả Van – Lao Chải. Từ vị trí này, bạn đi theo hướng Tây Bắc tỉnh lộ 152 khoảng 6,2km và tiếp tục tiến về phố Mường Hoa – phố Cầu Mây thêm 2,3km. Khi đã đến được quảng trường trung tâm, bạn cũng tiếp tục di chuyển đến chợ đêm Sa Pa theo hướng dẫn bên trên.
4 – Từ đèo Ô Quy Hồ (khoảng 15,4km): Đèo Ô Quy Hồ hẳn đã không còn xa lạ với dân mê “phượt” với phong cảnh hùng vĩ, nhiều điểm check-in nổi tiếng như Cổng trời, Cầu Kính Rồng Mây, cây cô đơn và gần khu vực thác Bạc – suối Vàng – thác tình yêu. Từ đỉnh đèo, bạn di chuyển theo hướng Đông Bắc tuyến Quốc lộ 4D và đi thẳng đến chợ đêm Sa Pa mà không cần rẽ hướng nhiều lần.
Phương tiện đến chợ đêm Sa Pa
Bạn có lựa chọn di chuyển đến chợ đêm Sa Pa bằng cách đi bộ, đi xe máy, đón xe điện hoặc taxi tùy theo nhu cầu cá nhân. Cụ thể:
- Đi bộ: Nếu quãng đường từ vị trí thực tế của bạn đến chợ đêm chỉ dài khoảng 2km đổ lại (như từ quảng trường trung tâm thị xã), bạn có thể đi bộ để vừa ngắm cảnh đêm Sa Pa, vừa tiết kiệm kinh phí du lịch.
- Đi xe máy: Đây là phương tiện linh hoạt, dễ dàng di chuyển trên các tuyến đường đông đúc vào dịp lễ Tết. Bạn có thể sử dụng xe máy cá nhân hoặc thuê xe với giá khoảng 100.000 – 150.000 VNĐ/ngày.
- Đón xe điện: Nếu bạn đang đứng tại nhà thờ đá Sa Pa hoặc các tuyến đường tại trung tâm như Hàm Rồng, Thạch Sơn, Xuân Viên, Điện Biên Phủ, bạn nên trải nghiệm thử dịch vụ xe điện với giá chỉ từ 6.000 VNĐ/lượt, sau đó xuống trạm tại đường Lương Định Của và đi bộ đến chợ đêm.
- Đón taxi: Không gian rộng rãi của taxi phù hợp với các đoàn khách đông bao gồm trẻ em, người lớn tuổi. Bạn có thể liên hệ với các hãng taxi uy tín như Xanh Sapa (02143 636 363), Mai Linh Lào Cai (02143 767 676), Hiếu Hồng (02143 820 820) với giá chỉ từ 12.000 VNĐ/km.
Ăn gì ở chợ đêm Sa Pa? 4 món ăn được bày bán tại chợ
Đến với chợ đêm ở Sa Pa, nếu chưa biết chợ đêm Sa Pa có gì thì các tín đồ đam mê ăn uống đừng bỏ qua thưởng thức những mặt hàng nông sản, món ăn đặc sản, đồ ăn vặt – đồ uống và những món nướng mang đậm hương vị Tây Bắc.
Nông sản đặc trưng của Sa Pa
Sa Pa là nơi giao thoa giữa khí hậu nhiệt đới và ôn đới, phân hóa thành 4 mùa xuân – hạ – thu – đông rõ rệt, tạo điều kiện cho nhiều loài thực vật sinh trưởng. Mỗi lần đến chợ đêm Sa Pa, lữ khách miền xuôi thường tìm kiếm những gian hàng nông sản xứ lạnh với giá thành rẻ hơn hẳn vùng đồng bằng. Mỗi loại nông sản lại có hương vị và mức giá bán khác nhau. Chẳng hạn:
Tên nông sản | Mô tả | Mức giá tham khảo |
Đào Sa Pa |
|
25.000 VNĐ/kg |
Mận Sa Pa |
|
30.000 VNĐ/kg |
Thanh mai |
|
50.000 VNĐ/kg |
Mắc cọp |
|
20.000 VNĐ/kg |
Táo mèo Sa Pa |
|
50.000 VNĐ/kg |
Nho rừng Sa Pa |
|
50.000 VNĐ/kg |
Lá thuốc Dao đỏ |
|
40.000 VNĐ/kg |
Hạt dẻ rừng |
|
200.000 VNĐ/kg |
Hạt óc chó |
|
200.000 VNĐ/kg |
Gạo nếp cẩm H’Mông Sa Pa |
|
40.000 VNĐ/kg |
Lưu ý khi mua nông sản:
- Nên chọn những loại nông sản chưa chín hẳn nếu muốn đem về làm quà biếu tặng.
- Kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng nông sản thông qua màu sắc, tình trạng tươi mọng, hương thơm, các dấu vết lạ trên bề mặt…
Các món đặc sản của Sa Pa
Các gian hàng ẩm thực của chợ đêm Sa Pa chủ yếu do người đồng bào dân tộc mở. Vì vậy, những món đặc sản tại đây đều sử dụng nguyên liệu tươi ngon nhất từ các bản làng vùng cao và mang đến hương vị truyền thống lạ miệng. Mức giá cho mỗi phần ăn tại đây dao động khoảng 20.000 – 200.000 VNĐ. Một số món ăn tiêu biểu có thể kể đến như:
- Thắng cố ngựa: Thịt và nội tạng ngựa đã qua sơ chế sạch sẽ, sau đó đem đi hầm nhừ, có mùi thơm, vị giòn, ăn kèm nhiều loại rau nhúng cay nồng.
- Lợn cắp nách quay: Lợn được nuôi thả rông nên thịt ngọt, thơm, nạc nhiều, mỡ mỏng, lớp bì vàng óng giòn tan.
- Thịt trâu gác bếp: Thịt có độ dai và mềm, đượm hương khói bếp, vị cay và mặn, thích hợp để nhâm nhi cùng rượu bia.
- Cơm lam: Cơm nướng trong ống nứa nên thoang thoảng hương tre trúc, có độ dẻo ngọt và chấm cùng muối vừng mằn mặn.
- Bánh ngô: Bánh được quấn trong vỏ chuối, có màu vàng nhạt, dẻo mịn, béo ngậy và thơm hương ngô non.
- Cá suối nướng: Cá nhỏ nhưng không có vị tanh, khi nướng vỏ ngoài vàng ruộm, phần thịt trắng muốt có vị ngọt thanh.
- Gà nướng mắc khén: Thịt gà thả vườn dai, săn chắc, có vị cay tê và hương thơm nồng nàn của mắc khén.
- Lẩu cá hồi: Thịt cá tươi, mềm tan trong miệng kết hợp với vị chua ngọt của nước dùng và vị đắng chát của các loại rau rừng Tây Bắc.
Lưu ý khi thưởng thức các món đặc sản:
- Nên gọi phần nhỏ để tránh lãng phí trong trường hợp món ăn không hợp khẩu vị.
- Nên mạnh dạn hỏi thăm người bán hàng cách chế biến món đặc sản để hiểu thêm về ẩm thực Sa Pa.
Các món ăn vặt & đồ uống
Trong một khu chợ đêm nhộn nhịp, sẽ thật thiếu sót nếu vắng bóng những quầy hàng ăn vặt và thức uống thơm ngon. Đặc biệt, các món ăn vặt và đồ uống tại chợ đêm Sa Pa thường được giữ nóng để du khách vừa thưởng thức, vừa xuýt xoa trước những cơn gió se lạnh bủa vây. Với chi phí chỉ khoảng 5.000 – 30.000 VNĐ, bạn đã có thể thưởng thức:
- Xiên que: Bao gồm nhiều loại viên chiên như cá, bò, lợn, gà, tôm… với hương vị gần gũi, dễ ăn.
- Bánh tráng nướng: Bánh tráng giòn rụm, đẫm nhân ngô, xúc xích, trứng, thịt bằm, hành lá và ăn kèm tương ớt cay cay.
- Trứng gà nướng: Trứng có vị béo, thơm mùi tiêu xay, ăn kèm muối tiêu chanh hoặc các loại nước chấm khác.
- Chè: Chủ yếu là các loại chè miền Bắc chú trọng vào hương vị thanh mát như chè ngô, chè cốm, chè trôi nước…
- Sữa đậu nành/Sữa ngô: Hương sữa thơm, vị ngọt, để lại cảm giác sánh mịn trong vòm họng.
- Cà phê: Hạt cà phê rang thơm lừng, đậm đà, hậu vị đắng nhẹ.
Lưu ý khi thưởng thức các món ăn vặt & đồ uống:
- Nên chọn những hàng quán có không gian bếp núc sạch sẽ, không tái sử dụng dầu chiên rán nhiều lần.
- Nên ăn kèm thêm các món ăn có rau xanh để tránh chướng bụng, khó tiêu.
Các món đồ nướng mang đậm chất núi rừng
Trong không khí bảng lảng sương lạnh về đêm, khói nướng tỏa ra nghi ngút từ các sạp hàng đơn sơ của chợ đêm Sa Pa lại trở nên cuốn hút đến lạ. Hơn 20 loại đồ nướng tại đây chủ yếu sử dụng nguyên liệu đậm chất núi rừng và được tẩm ướp với các loại gia vị đặc trưng của Tây Bắc như hạt dổi, mắc khén, lá mắc mật… Tất cả hòa quyện vào nhau và tạo nên hương vị đậm đà, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Chỉ với giá khoảng 20.000 – 100.000 VNĐ, bạn đã có thể thưởng thức các món như:
- Thịt lợn rừng nướng: Thịt lợn dai, da giòn sần sật, lớp mỡ không ngấy.
- Thịt trâu bản nướng: Thịt trâu săn chắc và dai hơn thịt lợn, có vị ngọt dịu và hầu như không có mỡ.
- Chim cút nướng: Chim cút nhỏ nên dễ thấm gia vị, khi nướng có lớp da vàng giòn trong khi lớp thịt bên trong vẫn mềm mọng.
- Lòng bò nướng: Lòng bò phải được sơ chế kỹ để loại bỏ mùi tanh, có độ béo ngậy kích thích vị giác.
- Nấm hương rừng nướng: Nấm mềm, ngọt, thanh mát và thoang thoảng hương thảo mộc của rừng già.
- Rau củ (ăn kèm): Bao gồm khoai lang, bắp ngô, rau cải mèo, cải ngồng… giúp giảm độ ngấy và bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết khác cho cơ thể.
Lưu ý khi thưởng thức các món đồ nướng:
- Chú ý canh lửa để tránh đồ nướng bị cháy khét và sản sinh ra các chất độc hại.
- Nên chủ động yêu cầu thay vỉ nướng sau khoảng 2 – 3 lần dùng để tránh các mảng bám trên vỉ làm ảnh hưởng đến mùi vị món ăn.
3 mặt hàng khác được bày bán tại chợ đêm Sa Pa
Ngoài khu nông sản và quầy ẩm thực, chợ đêm Sa Pa còn bày bán những bộ quần áo, mũ nón, đồ thủ công mỹ nghệ và quà lưu niệm xinh xắn.
Quần áo, mũ món mang đậm phong cách Tây Bắc
Giữa những ánh đèn mờ ảo của chợ đêm Sa Pa, du khách sẽ bắt gặp những mảng màu sắc sặc sỡ của bộ quần áo, mũ nón mang đậm phong cách Tây Bắc. Những mặt hàng này thường được cung cấp từ các làng nghề thủ công truyền thống của bản Tả Phìn, bản Cát Cát, bản Tả Van… Từng đường nét hoa văn thổ cẩm thể hiện sắc nét trên màu vải chàm thân thương khiến ai đi qua cũng phải bất chợt ngoái đầu nhìn lại. Theo kinh nghiệm, quần áo, mũ nón tại chợ thường có giá từ 50.000 – 300.000 VNĐ.
Lưu ý khi mua quần áo, mũ nón mang đậm phong cách Tây Bắc:
- Chú ý phân biệt quần áo, mũ nón thủ công thường có hoa văn thổ cẩm không đều nhau so với loại sản phẩm được làm bằng máy móc hiện đại.
- Nên mạnh dạn mặc cả với chủ quầy hàng nhưng phải giữ thái độ bình tĩnh, lịch sự.
Đồ thủ công mỹ nghệ
Mặt hàng thủ công mỹ nghệ tại chợ đêm Sa Pa được chế tác từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề nên có giá trị thẩm mỹ cao, phản ánh bản sắc văn hóa truyền thống. Ngay tại các gian hàng, bạn cũng có cơ hội quan sát cách người đồng bào dân tộc chạm khắc lên những thỏi bạc, bện dây mây thành giỏ chắc chắn hay tỉ mẩn đục đẽo khúc gỗ, thanh tre. Với giá khoảng 50.000 – 300.000 VNĐ, bạn có thể mua được một số loại đồ thủ công mỹ nghệ như:
- Vật dụng làm bằng thổ cẩm: túi xách, ví tiền, vỏ áo gối, khăn choàng…
- Trang sức: vòng cổ, vòng tay, nhẫn, hoa tai…
- Nhạc cụ: khèn, sáo trúc, đàn môi, đàn tính, trống da dê…
- Nông cụ: dao, liềm, cuốc, xẻng, giỏ mây, đó tre…
Lưu ý khi mua đồ thủ công mỹ nghệ:
- Nên đi khảo sát giá ở nhiều gian hàng trước khi quyết định mua.
- Có thể nhờ người bán hướng dẫn cách làm đồ thủ công mỹ nghệ.
Đồ lưu niệm nhỏ xinh
Chợ đêm Sa Pa là địa điểm lý tưởng để mua những món quà xinh xắn dành tặng cho gia đình, bạn bè sau một chuyến đi xa. Mặt hàng lưu niệm tại đây thường có màu sắc bắt mắt và thể hiện những hình ảnh liên quan đến thiên nhiên và con người Sa Pa với giá dao động khoảng 10.000 – 50.000 VNĐ. Dạo quanh chợ, bạn có thể tìm thấy tượng gốm/búp bê vải mang dáng vẻ của người đồng bào, móc khóa với tạo hình đỉnh Fansipan hoặc nhạc cụ dân tộc, bưu thiếp/ly tách in hình ruộng bậc thang, cột cờ, suối thác, bản làng…
Lưu ý khi mua đồ lưu niệm:
- Cẩn thận khi cầm nắm những mặt hàng dễ vỡ như ly tách, tượng gốm.
- Cân nhắc sử dụng dịch vụ gói quà lưu niệm tại quầy hàng (nếu có).
5 trải nghiệm không nên bỏ lỡ khi ghé thăm chợ đêm Sa Pa
Dừng chân ghé lại chợ đêm Sa Pa, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động về đêm thú vị như ăn uống, mua sắm, chụp ảnh “sống ảo” và khám phá văn hóa Tây Bắc.
Thưởng thức các món ăn thơm ngon – độc đáo
Với những quầy hàng ẩm thực trải dọc hai bên lề đường, chợ đêm Sa Pa như chiêu đãi du khách một đại tiệc buffet ngoài trời thịnh soạn. Qua đó, bạn có thể tự do thưởng thức những đặc sản núi rừng dung dị, món ăn đường phố bình dân hay đồ nướng nóng hổi trên bếp than hoa. Trên hết, bạn nên đi theo nhóm đông người để có thể san sẻ chi phí ăn uống và trải nghiệm đủ món, đủ vị.
Mua sắm các mặt hàng trong chợ về làm quà
Tại chợ đêm Sa Pa, bạn có thể mua sắm những mặt hàng địa phương giá rẻ để mang về làm quà biếu tặng cho gia đình, người thân, bạn bè sau hành trình du lịch đến “xứ sở sương mù”. Đó có thể là một con búp bê thổ cẩm cho em nhỏ, vài loại nông sản xứ lạnh cho ba mẹ hay những loại cây thuốc quý bồi bổ cho người lớn tuổi. Trước đó, bạn nên liệt kê sẵn danh sách quà tặng phù hợp với sở thích của người nhận và dự trù kinh phí cần thiết.
Tản bộ – ngắm nhìn Sa Pa về đêm cực lung linh
Khi màn đêm buông xuống, chợ đêm Sa Pa lại khoác lên lớp áo lung linh được tạo nên bởi những ánh đèn nhiều màu sắc hắt từ dãy quầy hàng di động hay những tòa nhà cao tầng xung quanh. Tản bộ trên đường chợ đêm vòng qua bờ hồ rồi xuống đến phố Cầu Mây, du khách có thể tận hưởng khí trời khoáng đạt, ngắm nhìn dòng người qua lại và hòa mình vào nhịp sống thường nhật của trung tâm thị trấn.
Check-in & Lưu giữ kỉ niệm cùng bạn bè
Không gian rực rỡ sắc màu của chợ đêm Sa Pa đã tạo nên những góc check-in tuyệt đẹp dành cho du khách đam mê “sống ảo”. Bạn có thể đứng giữa con đường dẫn lối vào chợ hay những quầy hàng thổ cẩm tinh xảo và hướng góc máy ảnh bắt trọn những khoảnh khắc đời thường. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để nhóm bạn thân cùng nhau lưu giữ kỉ niệm đáng nhớ trên hành trình du lịch Sa Pa.
Khám phá nét văn hóa độc đáo của người dân tộc
Chợ đêm Sa Pa đem đến không gian giao lưu văn hóa – nghệ thuật giữa các dân tộc anh em. Qua lối ăn mặc truyền thống, cách đối đáp niềm nở hay nụ cười mến khách của tiểu thương người đồng bào, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp chân chất, phồn hậu của con người Sa Pa. Đặc biệt, bạn có thể thưởng thức các buổi trình diễn văn nghệ được tổ chức vào cuối tuần tại chợ đêm với điệu múa uyển chuyển, lời hát giao duyên ân tình hay âm thanh réo rắt của nhạc cụ dân tộc.
4 lưu ý khi ghé thăm chợ đêm Sa Pa
Để có chuyến mua sắm – ăn uống – vui chơi suôn sẻ tại chợ đêm Sa Pa, du khách nên quan tâm đến một số lưu ý sau đây:
1 – Lựa chọn trang phục phù hợp: Nhiệt độ Sa Pa về đêm thường xuống thấp hơn ban ngày, vì vậy, bạn nên chuẩn bị áo khoác mỏng, quần dài vào mùa hè hoặc áo phao, mũ len, khăn choàng, găng tay vào mùa đông để tránh cảm lạnh.
2 – Giữ gìn & bảo quản tư trang cẩn thận: Dòng người qua lại chợ đêm thường rất đông đúc, gây khó khăn cho công tác quản lý trật tự an ninh. Do đó, bạn nên cất giữ điện thoại, ví tiền, giấy tờ quan trọng vào túi đựng chắc chắn và kiểm tra thường xuyên.
3 – Kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi thanh toán: Tùy vào những loại mặt hàng khác nhau, bạn có thể thông qua mẫu mã, màu sắc, mùi hương, hoa văn để đánh giá chất lượng sản phẩm và tránh lãng phí tiền bạc.
4 – Hạn chế cho tiền các em nhỏ người đồng bào: Hành động này có thể khiến các em ỷ lại và bỏ học để đi kiếm sống. Thay vì cho tiền, bạn nên mua đồ ủng hộ hoặc tặng bánh kẹo.
Những quầy hàng đặc sản thơm phức, sản phẩm lưu niệm đặc trưng và sự niềm nở, thân thiện của người đồng bào là điểm nhấn khiến nhiều du khách mong muốn quay lại chợ đêm Sa Pa. Nếu đang có ý định đi du lịch đến Sa Pa trong thời gian sắp tới, đừng quên ghé thăm chợ đêm và tham quan, chiêm bái quần thể công trình kiến trúc độc đáo tại Sun World Fansipan Legend bạn nhé!
Leave a Reply