Bãi đá cổ Sa Pa: Vị trí – Trải nghiệm nên thử – Cách di chuyển

Sa Pa không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hư ảo, các công trình kiến trúc biểu tượng mà còn sở hữu những di tích văn hóa – lịch sử trường tồn cùng thời gian. Theo đó, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội tham quan bãi đá cổ Sa Pa – nơi tập hợp những hòn đá tưởng chừng vô tri, vô giác nhưng lại ẩn chứa nhiều mật mã huyền bí chưa có lời giải đáp của người xưa.

Bãi đá cổ Sa Pa - di tích bí ẩn giữa núi rừng Tây Bắc hoang sơ
Bãi đá cổ Sa Pa – di tích bí ẩn giữa núi rừng Tây Bắc hoang sơ

Bãi đá cổ Sa Pa ở đâu? 

Bãi đá cổ Sa Pa nằm lọt thỏm giữa thung lũng Mường Hoa, xung quanh bao bọc bởi các ngọn núi cao 2.000m, thuộc địa phận các xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van, cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 7km về hướng Đông Nam. Trong đó, các tảng đá cổ chủ yếu tập trung tại xã Hầu Thảo và hình thành nên hai bãi lớn, bao gồm:

  • Bãi đá cổ nằm cạnh bản Pho của người H’Mông: Số lượng đá tuy không nhiều nhưng có kích thước lớn và hoa văn chạm khắc phức tạp, phân bố trên sườn núi sát đường lớn, kéo dài xuống gần lòng suối.
  • Bãi đá cổ nằm giáp ranh biên giới xã Hầu Thảo và Lao Chải: Tập trung hơn 100 phiến đá có hình thù “độc bản” từ đường cái qua các thửa ruộng bậc thang lên bản Hầu Chư Ngải của người H’Mông trên đỉnh núi (còn gọi là đường lên Hang Đá).
Vị trí của bãi đá cổ Sa Pa nhìn trên bản đồ vệ tinh
Vị trí của bãi đá cổ Sa Pa trên bản đồ vệ tinh (Nguồn: Google Maps)
Vị trí thực tế của bãi đá cổ Sa Pa tại thung lũng Mường Hoa
Vị trí thực tế của bãi đá cổ Sa Pa tại thung lũng Mường Hoa (Nguồn: FB Vu Hung)

Nguồn gốc của bãi đá cổ Sa Pa 

Tháng 8 năm 1925, giáo sư người Pháp Victor Goloubev (thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ) là người đầu tiên nghiên cứu bãi đá cổ Sa Pa vì tin rằng đây là nơi lưu giữ hài cốt của người cổ đại. Hầu hết nghiên cứu của ông đều không có kết quả khả quan nhưng đã mở ra tiềm năng khảo cổ học và khai thác du lịch tại bãi đá cổ. Bấy giờ, chỉ có khoảng 30 khối đá lớn được tìm thấy quanh thung lũng. Cho đến hiện tại, người ta đã phát hiện hơn 200 khối đá với kích thước đa dạng trải dài trên diện tích khoảng 8km2.

Bãi đá cổ Sa Pa được đánh giá có tiềm năng khảo cổ học cao
Bãi đá cổ Sa Pa được đánh giá có tiềm năng khảo cổ học cao (Nguồn: Viet Luong)

Trong nghiên cứu của trường Đại học Văn hóa Hà Nội (2018), các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải nguồn gốc của bãi đá cổ Sa Pa cũng như chủ nhân của những hoa văn khắc sâu trên mặt một số phiến đá. Có giả thuyết cho rằng bãi đá cổ là di sản của cộng đồng người H’Mông – Dao (cách đây 200 – 600 năm), người lại khẳng định hình khắc trên đá thuộc về thời kỳ Đông Sơn (cách đây 2.300 – 3.500 năm), thậm chí có quan điểm nhấn mạnh quần thể độc đáo này đã tồn tại cùng bộ tộc của nền văn minh dĩ vãng (cách đây trên 5.000 năm).

Truyền thuyết về bãi đá cổ Sa Pa

Tuy chưa thể xác định nguồn gốc hình thành nhưng bãi đá cổ Sa Pa đã gắn bó lâu đời cùng những tộc người bản địa. Từ đó, nhiều điển tích tâm linh về địa danh này cũng được lan truyền rộng rãi, nổi bật là câu chuyện về những dấu ấn khắc trên đá và truyền thuyết về “hòn đá chồng”, “hòn đá vợ”.

  1. 1. Truyền thuyết về những dấu ấn khắc trên đá cổ 

Thuở xưa, cư dân trong vùng phải thường xuyên đối mặt với sự càn quấy của một bầy hổ hung dữ. Chúng thường kéo nhau xuống từ đỉnh núi mây mù để giẫm đạp ruộng nương, hoa màu, phá hoại nhà cửa, sát hại gia súc lẫn con người. Một ngày nọ, một vị cứu tinh không biết từ đâu xuất hiện đã truyền dạy cách đọc thần chú cho nhóm thợ đá trong vùng, khiến bầy hổ phải kinh hồn bạt vía, có con lăn đùng ra chết và hóa thành hòn đá nằm đó đến nay.

Từ đó, người dân bản Pho tin rằng hoa văn khắc trên bãi đá cổ chính là những câu thần chú siêu phàm, có khả năng đẩy lùi thú dữ, tiêu trừ các thế lực ma quỷ và đem lại bình yên cho vùng đất này.

Hoa văn trên phiến đá được xem như những câu thần chú đuổi thú dữ
Hoa văn trên phiến đá được xem như những câu thần chú đuổi thú dữ (Nguồn: Susanna Kwan)

2. Truyền thuyết về “hòn đá chồng”, “hòn đá vợ” 

Tại bãi đá cổ Sa Pa, người dân xung quanh cũng phát hiện thêm hai hòn đá có dáng nằm nghiêng nghiêng tựa vào nhau như một đôi tình lữ mặn nồng, đặt tên là “hòn đá chồng” và “hòn đá vợ”. Đặc biệt, cặp đá này gắn bó mật thiết với truyền thuyết tình yêu của thung lũng Mường Hoa.

Tương truyền khi nơi đây còn chìm trong sương lạnh, có một đôi trai gái yêu nhau nhưng bị người nhà cấm cản. Một hôm, cặp đôi lấy cớ lên rừng tìm thảo dược để hẹn hò và cầu xin thần linh che chở khỏi ánh mắt cay nghiệt của gia đình. Cảm động trước tình yêu thuần khiết ấy, thần linh đã điều khiển một vầng mây trắng vắt quanh chỗ họ ngồi như một dải lụa mềm để người khác không thể soi mói. Đôi tình nhân nhìn nhau đắm đuối đến tận chiều tối rồi không may đi lạc trên đường về và hóa đá để bên nhau trọn đời.

Một dị bản khác kể rằng khi phương Bắc xảy ra chiến tranh liên miên, hai người con của tộc trưởng đối địch lại nảy sinh tình cảm với nhau. Để bảo vệ hạnh phúc của mình, họ quyết định chạy trốn về phương Nam xa xôi. Biết được chuyện này, tên quân sư gian ác đã gieo rắc lời nguyền rủa: nếu đôi trẻ không chạy qua khỏi suối Hoa trong 10 ngày thì sẽ hóa thành đá. Lời nguyền ứng nghiệm vào đúng ngày thứ 10, cô gái bị trượt chân ngã xuống đầm lầy, chàng trai quay lại tìm người yêu nên không chạy kịp và rồi cả hai hóa đá trong tư thế quay đầu vào nhau.

“Hòn đá chồng” và “hòn đá vợ” ghi dấu câu chuyện tình yêu bi thương
“Hòn đá chồng” và “hòn đá vợ” ghi dấu câu chuyện tình yêu bi thương (Nguồn: Việt Giải Trí)

Ý nghĩa của bãi đá cổ Sa Pa 

Bãi đá cổ Sa Pa là quần thể di tích có giá trị sâu sắc với đời sống đồng bào dân tộc, quá trình bảo tồn văn hóa cũng như quảng bá hình ảnh địa phương đến với du khách gần xa.

  1. 1. Ý nghĩa bãi đá cổ Sa Pa với đồng bào dân tộc 

Thông qua các huyền tích dân gian, bãi đá cổ Sa Pa đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho cộng đồng người dân tộc thiểu số tại đây. Nhiều tục lệ cúng tế liên quan đến các phiến đá linh thiêng vẫn được gìn giữ và phát huy, điển hình là hai ngôi miếu của người H’Mông và người Giáy được dựng lên giữa rừng để ca ngợi mối tình “hóa đá” của chàng trai, cô gái.

2. Ý nghĩa bãi đá cổ Sa Pa với quá trình bảo tồn văn hóa 

Các hình họa, ký hiệu và chữ viết trên đá là cầu nối dẫn lối con người hiện đại tìm về với đời sống của người Việt cổ. Công cuộc nghiên cứu các hình khắc này đòi hỏi phải đi kèm với quá trình bảo tồn chuyên nghiệp. Vì vậy, bãi đá cổ Sa Pa đã chính thức được Bộ Văn hóa Thông tin (tiền thân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia vào tháng 10 năm 1994.

Bên cạnh đó, một số buổi triển lãm quy mô lớn trong và ngoài nước đã được tiến hành để bảo tồn giá trị văn hóa của bãi đá cổ Sa Pa. Từ năm 2003, trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội bắt đầu thu thập khoảng 150 bản rập về các hình khắc cổ trên đá và trưng bày tại triển lãm ở Hà Nội năm 2006. Đến năm 2009, một phần tư liệu này tiếp tục được gửi đến triển lãm tại bảo tàng Vasterbottens (Thụy Điển) từ 27/9 đến 8/11 nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia.

Các bản rập trở thành tư liệu quý giá về bãi đá cổ Sa Pa
Các bản rập trở thành tư liệu quý giá về bãi đá cổ Sa Pa (Nguồn: Varun Hedge)

3. Ý nghĩa bãi đá cổ Sa Pa với du khách tham quan

Nhờ nét đẹp trầm mặc và huyền bí, bãi đá cổ Sa Pa luôn thu hút đông đảo du khách đến tham quan mỗi năm. Tại đây, du khách có thể vừa quan sát những dấu tích văn hóa của thời đại cũ, vừa ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang mênh mông và khung cảnh mây bồng phiêu lãng đẹp đến nao lòng.

Hướng dẫn di chuyển đến bãi đá cổ Sa Pa 

Từ trung tâm thị xã Sa Pa, du khách có thể di chuyển đến bãi đá cổ bằng xe máy hoặc xe ô tô, mỗi phương thức sẽ phù hợp với những đối tượng và nhu cầu khác nhau.

Phương tiện di chuyển Chi tiết
Xe máy
  • Lộ trình: thị xã Sa Pa ⇒ đường đèo Mường Hoa – tỉnh lộ 152 ⇒ bãi đá cổ Sa Pa (hướng Đông Nam)
  • Chi phí: 50.000 – 70.000 VNĐ/lượt đối với xe ôm, 100.000 – 150.000 VNĐ/xe/ngày đối với xe thuê
  • Thời gian di chuyển: 15 phút
  • Ưu điểm: linh hoạt, phù hợp với dân “phượt”, thuận tiện dừng lại ngắm cảnh dọc đường
  • Nhược điểm: không phù hợp nếu đi cùng trẻ em, người lớn tuổi
  • Gợi ý điểm thuê xe: Hằng Điệp (0912 435 006), Anh Tiến (0986 557 236), Mạnh Hùng (0986 557 236)…
 
Ô tô
  • Lộ trình: thị xã Sa Pa ⇒ đường đèo Mường Hoa – tỉnh lộ 152 ⇒ bãi đá cổ Sa Pa (hướng Đông Nam)
  • Chi phí: 100.000 – 120.000 VNĐ/lượt đối với taxi
  • Thời gian di chuyển: 15 – 20 phút
  • Ưu điểm: không gian rộng rãi, an toàn
  • Nhược điểm: khó di chuyển linh hoạt trên đường đèo
  • Gợi ý điểm thuê xe: Mai Linh Lào Cai (02143 767676), Mai Long (0214.3.863.862)…

4 trải nghiệm nên thử khi đến bãi đá cổ Sa Pa  

Dừng chân ghé lại bãi đá cổ Sa Pa, bạn có thể trải nghiệm nhiều điều lý thú xoay quanh lịch sử bãi đá, các hoa văn chạm khắc bí ẩn, hành trình chinh phục các hòn đá độc đáo và những bức ảnh check-in thú vị.

Tìm hiểu về lịch sử bãi đá 

Lịch sử bãi đá cổ Sa Pa đã trải qua nhiều thăng trầm kể từ lúc gắn bó với người đồng bào dân tộc và trong quá trình khai phá tiềm năng khảo cổ học từ năm 1925. Du khách có thể tìm hiểu sâu hơn về giai đoạn này thông qua các bản vẽ khổ lớn, ảnh chụp tại Nhà trưng bày khu chạm khắc đá cổ Sa Pa. Tại đây, bạn cũng có thể hiểu hơn về nét sinh hoạt văn hóa của cư dân bản địa thông qua các vật dụng thô sơ như khung cửi, cối đá, thùng gỗ…

Không gian bên trong Nhà trưng bày khu chạm khắc đá cổ Sa Pa
Không gian bên trong Nhà trưng bày khu chạm khắc đá cổ Sa Pa (Nguồn: Susanna Kwan)

Thêm vào đó, bạn đừng ngại hỏi thăm cư dân tại thung lũng Mường Hoa, nhất là các bậc kỳ lão cao niên về những truyền thuyết lịch sử liên quan đến bãi đá cổ Sa Pa và khám phá thêm nhiều câu chuyện hoặc các dị bản mới lạ. Người dân vùng cao chất phác, hồn hậu và luôn sẵn sàng giúp đỡ các du khách ghé thăm.

Tận tay chạm & cảm nhận hoa văn – chi tiết độc đáo trên các phiến đá

Trong số những phiến đá to nhỏ tại bãi đá cổ Sa Pa, có phiến trơn nhẵn, bóng loáng, có phiến được chạm khắc những hoa văn trừu tượng. Đó có thể là hình ảnh nam nữ ân ái tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, rãnh tròn hằn sâu như biểu tượng thái dương, hình vẽ ruộng bậc thang, con đường như mô tả đời sống thường nhật hay chữ viết lạ lùng của một loại ngôn ngữ đã chìm vào quên lãng.

Theo nhà nhân chủng học Paul Lévy, những hoa văn trừu tượng này có điểm tương đồng với các tác phẩm nghệ thuật của dân bản xứ Guinea, Đài Loan và Australia. Cũng có người khẳng định đây là “cuốn sách khổng lồ” mô tả diễn biến của những trận chiến xa xưa. Tựu trung lại, bãi đá cổ Sa Pa dường như đang tiềm tàng những bí ẩn nguyên thủy, khiến du khách không khỏi thắc mắc, tò mò và dừng lại quan sát thật lâu.

Cận cảnh hoa văn chạm khắc dày đặc trên 1 trong 200 phiến đá tại bãi đá cổ Sa Pa
Cận cảnh hoa văn chạm khắc dày đặc trên 1 trong 200 phiến đá tại bãi đá cổ Sa Pa (Nguồn: Vietnam Discovery)

Do hứng chịu gió sương của vùng đồi núi trong suốt hàng trăm hay thậm chí hàng ngàn năm, một số hoa văn trên bề mặt phiến đá đã không còn nguyên vẹn. Do vậy, chỉ bằng cách chạm tay và cảm nhận độ sống động, chi tiết của các hình vẽ, kí hiệu, chữ viết, du khách đã có thể tiếp xúc gần hơn với một nền văn minh xa lạ. Tuy nhiên, bạn lưu ý không tác động mạnh hoặc khắc đè lên các hoa văn để bảo tồn di tích quý giá.

Chinh phục toàn bộ bãi đá & “Điểm mặt” những hòn đá độc đáo

Hơn 200 hòn đá tại bãi đá cổ Sa Pa không tập trung thành cụm mà phân bố rải rác trên diện tích 8km2 của thung lũng Mường Hoa. Để có thể chinh phục toàn bộ bãi đá, bạn phải thay đổi luân phiên giữa xe máy/xe ô tô trên đường cái và đi bộ trên những con đường mòn nhỏ, thửa ruộng bậc thang. Do đó, bạn nên thuê hướng dẫn viên hoặc nhờ dân bản địa dẫn đường nhằm tối ưu lộ trình của mình.

Bản đồ khu chạm khắc đá cổ Sa Pa
Bản đồ khu chạm khắc đá cổ Sa Pa chia thành ba bãi đá chính (Nguồn: Sa Pa Tourism)

Ngoài ra, bạn cũng có thể di chuyển chủ yếu theo tuyến đường cái – đường lên bản Hầu Chư Ngài để quan sát các tảng đá lớn có nhiều hoa văn tập trung ven đường. Khi ghé thăm bãi đá cổ trên địa phận xã Hầu Thào, bạn nên nhờ người dân chỉ đường ra suối để tham quan, “điểm danh” các hòn đá nổi tiếng tại khu vực này như hòn bố – hòn mẹ, hòn chồng – hòn vợ.

Check-in tại hòn bố – hòn mẹ, hòn chồng – hòn vợ

Các hòn bố – hòn mẹ, hòn chồng – hòn vợ không chỉ gắn liền với đời sống văn hóa – tinh thần của đồng bào dân tộc mà còn trở thành tọa độ check-in lý tưởng của các du khách khi tham quan bãi đá cổ Sa Pa. Bạn có thể đứng trên những tảng đá lớn, vững chãi và hướng góc chụp ra vùng núi rừng bao la, xanh biếc và những tầng mây bảng lảng của đỉnh Fansipan để có được những bức ảnh ưng ý nhất.

Du khách thích thú check in tại bãi đá cổ Sa Pa
Thích thú với ảnh check-in của du khách tại bãi đá cổ Sa Pa (Nguồn: FB Hà Lê)
Nhờ những trải nghiệm đặc trưng trên, bãi đá cổ Sa Pa luôn mang đến cho khách tham quan cảm giác gần gũi, thân thiết như được trở về với quá khứ, cội nguồn. Đứng trước những phiến đá được ví như hiện thân của hổ, của những người yêu nhau hay của sự sinh sôi phát triển, tâm hồn du khách dần trở nên thư thái đến lạ và giải tỏa những muộn phiền chất chứa lâu ngày.

4 trải nghiệm nên thử khác khi ghé thăm bãi đá cổ Sa Pa 

Bên cạnh trải nghiệm vẻ đẹp độc đáo của bãi đá cổ Sa Pa, du khách còn được hòa mình vào thiên nhiên tại thung lũng Mường Hoa và tham quan những điểm du lịch nổi bật gần đó.

Tận hưởng không khí mát mẻ của đồng cỏ xanh rì 

Sau khi chinh phục và khám phá bãi đá cổ Sa Pa, du khách có thể đi dạo trên những cánh đồng xanh ngát quanh các bản làng và thả hồn vào những cơn gió trời mát mẻ. Từ vị trí này và lặng lẽ nhìn ngắm khung cảnh giao thoa giữa trời đất Tây Bắc, bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên, tự tại từ sâu thẳm tâm thức và đắm chìm hoàn toàn trong bức tranh núi rừng kỳ vĩ, hoang sơ.

Du khách thả hồn vào những cơn gió trời mát mẻ với khung cảnh thiên nhiên bát ngát
Đón những cơn gió trong lành khi dừng chân giữa cánh đồng cỏ dại (Nguồn: khamphadisan)

Ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang chín rộ

Nếu ghé thăm thung lũng Mường Hoa – bãi đá cổ Sa Pa trong độ tháng 9, tháng 10, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngắm những thửa ruộng bậc thang chín rộ ôm lấy sườn đồi và bao bọc bởi những dãy núi cao vời vợi. Sắc vàng ươm và hương thơm phảng phất của cây lúa khiến không gian nơi đây căng tràn nhựa sống, báo hiệu mùa màng bội thu đang đến.

Những thửa ruộng uốn lượn như sóng vàng óng ả
Ngỡ ngàng trước những thửa ruộng uốn lượn như sóng vàng óng ả

“Thưởng thức” hoàng hôn tại Sailing Sa Pa

Tọa lạc tại bãi đá cổ thuộc địa phận xã Tả Van, Sailing Sa Pa vừa là điểm dừng chân ăn uống và check-in yêu thích của du khách, vừa là tọa độ “thưởng thức” ánh chiều tà buông dần và những quầng mây đỏ rực như lửa. Để trải nghiệm trọn vẹn hoàng hôn trên bầu trời Sa Pa, bạn nên di chuyển lên tầng trên của quán để có tầm nhìn cao hơn, bao quát toàn cảnh thung lũng Mường Hoa đang dần thay màu áo mới.

Góc hoàng hôn lãng mạn tại bãi đá cổ
Một góc ngắm hoàng hôn cực kỳ lãng mạn tại bãi đá cổ (Nguồn: Sailing Sa Pa)

Ghé thăm những điểm du lịch gần bãi đá 

Để làm phong phú thêm cho chuyến hành trình du lịch của mình, bạn có thể cân nhắc ghé thăm một số địa điểm nổi tiếng gần bãi đá cổ Sa Pa, cụ thể:

  • Cầu Mây (Tả Van): Cây cầu mộc mạc kết từ dây mây giúp du khách băng qua con suối Mường Hoa thơ mộng với tiếng chảy róc rách vui tai và nhịp bước chòng chành.
  • Bản Lao Chải: Bản làng xinh đẹp giữa dãy Hoàng Liên Sơn và núi Hàm Rồng, khắc sâu bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc. Tham khảo thêm thông tin tại đây.
  • Hang Tả Phìn: Hang động tự nhiên với những lối đi ngoằn ngoèo dẫn xuống lòng đất và các khối thạch nhũ lung linh, mãn nhãn. Tham khảo thêm thông tin tại đây.
  • Tu viện cổ Tả Phìn: Kỳ quan Kitô giáo ngủ quên giữa núi rừng với cảnh sắc nên thơ và kiến trúc cổ điển.

Review thực tế của du khách khi đến bãi đá cổ Sa Pa 

Nhìn chung, tham quan bãi đá cổ Sa Pa mang đến cho du khách cảm giác hoài niệm và những băn khoăn, trăn trở về thời đại cũ. Nhiều du khách cũng không tiếc lời thán phục trước quang cảnh thiên nhiên đậm chất thơ ca tại đây. Theo dõi những review thực tế sau đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về di tích cổ dưới góc nhìn của người trực tiếp trải nghiệm.

Du khách Đinh Văn Bình nhắc nhở về ý thức giữ gìn, bảo tồn bãi đá cổ Sa Pa
Du khách Đinh Văn Bình nhắc nhở về ý thức giữ gìn, bảo tồn bãi đá cổ Sa Pa
Review chân thực của du khách sau khi ghé thăm bãi đá cổ Sa Pa
Lời khuyên chân thực của du khách sau khi ghé thăm di tích cổ giữ núi rừng
Du khách Nguyễn Văn Tứ chia sẻ về đường đi đến bãi đá cổ Sa Pa
Du khách Nguyễn Văn Tứ chia sẻ về đường đi đến bãi đá cổ Sa Pa
Du khách ấn tượng với những chữ tượng hình trên phiến đá
Những chữ tượng hình trên phiến đá để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách
Du khách tin rằng tham quan bãi đá cổ đem đến những bài học bổ ích
Du khách tin rằng tham quan bãi đá cổ đem đến những bài học bổ ích

Dù bị bào mòn trước sức mạnh của thời gian, bãi đá cổ Sa Pa vẫn sừng sững hiện hữu giữa rừng núi Tây Bắc, đem đến những mật mã văn hóa sâu xa cho giới học thuật và những du khách ưa thích tìm tòi, khám phá. Nếu có dịp ghé thăm Sa Pa trong thời gian tới, đừng bỏ qua địa danh này và các điểm đến nổi tiếng như Sun World Fansipan Legend, bản Cát Cát, đèo Ô Quy Hồ… trong lịch trình du lịch bạn nhé!

Rate this post
Rate this post
:

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Tin tức khác