Mỗi năm, thị trấn mù sương Sa Pa thu hút đông đảo du khách đến tham quan nhờ vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của các bản làng trải dọc theo sườn núi hoang sơ. Trong đó, bạn không nên bỏ qua bản Lao Chải – nơi hội tụ của bản sắc văn hóa dân tộc, các tọa độ ngắm cảnh lý tưởng cùng những dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng hấp dẫn. Hãy cùng khám phá trọn bộ điểm đến, trải nghiệm và các điểm lưu trú tại bản Lao Chải Sapa thông qua bài viết dưới đây.
|
Bản Lao Chải ở đâu? Bản Lao Chải và bản Tả Van Sa Pa có gần nhau không?
Bản Lao Chải tọa lạc giữa thung lũng Mường Hoa yên bình, xung quanh bao bọc bởi núi Hàm Rồng và dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 7 km về hướng Đông Nam. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc H’Mông đen và Giáy, giúp du khách có cơ hội tiếp xúc gần hơn với nền văn hóa bản địa.
Nhờ cảnh sắc rừng núi hữu tình và tính cách dịu dàng, chân chất của con người, bản Lao Chải Sapa dễ dàng gây ấn tượng với khách tham quan. Bước đến nơi đây, bạn sẽ được chiêm ngắm những thửa ruộng bậc thang uốn lượn như sóng vỗ, dãy núi cao xanh vời vợi và quang cảnh mây trôi bồng bềnh phiêu lãng. Bên cạnh đó, sự hồn hậu, mến khách của người vùng cao đem đến cho du khách cảm giác thân thuộc như được trở về với quê hương xứ sở sau bao ngày xa cách.
Lao Chải và Tả Van là hai bản được chú trọng phát triển du lịch bậc nhất tại thị xã Sa Pa. Do vị trí tiếp giáp liền kề, du khách khi đến bản Lao Chải có thể kết hợp ghé thăm bản Tả Van và ngược lại. Tuy nhiên, bạn lưu ý không nhầm lẫn hai bản này là một vì mỗi điểm lại có cộng đồng dân cư và những trải nghiệm đặc trưng riêng biệt.
Thời điểm nên đi du lịch bản Lao Chải
Để có những trải nghiệm trọn vẹn tại bản Lao Chải, du khách nên cân nhắc du lịch bản Lao Chải vào mùa nước đổ, mùa lúa đang thì con gái hoặc mùa lúa chín. Cụ thể:
- Mùa nước đổ (từ tháng 5 đến tháng 6): Đây là thời điểm những cơn mưa đầu mùa bắt đầu trút xuống, tưới mát các thửa ruộng bậc thang cằn cỗi sau những tháng ngày khô hạn. Nhờ vậy, từng nấc thang lớp lang đầy ắp nước của ruộng đồng Lao Chải trông như một tấm gương phản chiếu lại bầu trời trong xanh, đưa du khách đến gần hơn với ngàn mây kỳ vĩ và thơ mộng.
- Mùa lúa đang thì con gái (từ tháng 7 đến tháng 8): Bấy giờ đang vào giữa vụ canh tác, các thửa ruộng bậc thang lại khoác lên màu áo xanh mướt hòa quyện với núi rừng Tây Bắc bao quanh. Đứng giữa sắc xanh mênh mông và đón những cơn gió trời mát mẻ, du khách có thể tận hưởng bầu không khí khoáng đạt và trong lành.
- Mùa lúa chín (từ tháng 9 đến tháng 10): Đây là thời điểm du lịch lý tưởng nhất trong năm, khi khắp triền núi bản Lao Chải được bao phủ bởi sắc vàng óng ánh của cây lúa chín rộ. Đồng thời, không gian bản làng phảng phất hương lúa thơm lừng, làm say đắm tâm hồn du khách cũng như báo hiệu mùa màng bội thu cho người nông dân địa phương.
>>> Bên cạnh bản Lao Chải, bản Mây hoặc bản Tả Phìn cũng là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch.
Gợi ý cung đường & phương tiện di chuyển tới bản Lao Chải
Từ trung tâm thị xã Sa Pa, du khách di chuyển đến bản Lao Chải theo hướng chợ tình, sau đó rẽ vào phố Cầu Mây. Đến đoạn ngã ba, bạn tiếp tục rẽ trái vào phố Mường Hoa và men theo đường đèo (tỉnh lộ 152). Sau khi đi qua tiệm tạp hóa Thuận Duyến, bạn rẽ phải vào thung lũng Mường Hoa và đi thêm vài trăm mét nữa để đến bản Lao Chải. Với lộ trình 7km và mất khoảng 20 phút, bạn có thể di chuyển đến đây bằng xe máy hoặc xe ô tô tùy vào nhu cầu cá nhân. Cụ thể:
- Xe máy: Với tính cơ động và linh hoạt, xe máy phù hợp với những “phượt” thủ mong muốn chinh phục đường đèo quanh co và dừng lại ngắm cảnh thiên nhiên dọc đường. Bạn có thể sử dụng xe máy cá nhân, thuê xe với giá khoảng 100.000 – 150.000 VNĐ/ngày hoặc đón xe ôm với giá khoảng 50.000 – 70.000 VNĐ/lượt.
- Xe ô tô: Nếu đi cùng với đoàn nhiều người bao gồm trẻ em, người lớn tuổi, bạn nên lựa chọn ô tô để có không gian thoải mái và an toàn. Bạn có thể sử dụng ô tô cá nhân, thuê xe du lịch hoặc đón xe taxi với giá khoảng 100.000 – 120.000 VNĐ/lượt.
Ngoài ra, du khách sẽ phải trả phí tham quan nếu muốn thỏa sức ngắm cảnh, check-in tại bản Lao Chải nói riêng và thung lũng Mường Hoa nói chung. Hiện tại, mức phí này là 150.000 VNĐ đối với người lớn, 100.000 VNĐ đối với trẻ em từ 6 đến 12 tuổi và miễn phí đối với trẻ dưới 6 tuổi (có thể thay đổi theo cập nhật mới nhất).
7 tọa độ không nên bỏ lỡ khi đến bản Lao Chải
Dừng chân tại bản Lao Chải Sapa và ghé thăm 7 địa điểm nổi bật sau đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về cảnh vật cũng như đời sống văn hóa – tinh thần của đồng bào dân tộc H’Mông đen và Giáy.
Thung lũng Mường Hoa
Bản Lao Chải là một phần của thung lũng Mường Hoa rộng lớn – nơi được ưu ái mệnh danh như “thiên đường hạ giới” của Sa Pa và “nàng thơ” của núi rừng Tây Bắc. Chắc hẳn ai đã một lần ghé thăm nơi đây đều phải choáng ngợp trước những đường cong mềm mại của thửa ruộng bậc thang và dòng suối Mường Hoa trong veo, hiền hòa.
Mỗi mùa, thung lũng Mường Hoa lại khoác lên vẻ ngoài khác lạ, quyến rũ. Đó có thể là mặt ruộng sóng sánh mùa nước đổ, dải lụa xanh ngát giữa vụ canh tác hay sắc vàng óng ả mỗi độ thu về. Tất cả đã tạo nên một vùng đồng quê yên bình, thoáng đãng, làm xao xuyến tâm hồn những người yêu thích cái đẹp và thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Tại thung lũng Mường Hoa, du khách có thể “săn” được khoảnh khắc trời đất giao thoa khi những quầng sương bảng lảng thi nhau quấn quýt bên các triền núi và tạo nên khung cảnh tuyệt mỹ, xa rời cõi thực. Đồng thời, bạn không nên bỏ lỡ cơ hội check-in với những thửa ruộng bậc thang – nét đẹp độc đáo gây tiếng vang với bạn bè quốc tế. Ngoài ra, bạn có thể đến bên dòng suối Mường Hoa để lắng nghe âm thanh róc rách vui tai và ngắm nhìn những đá cá bơi lội tung tăng dưới nước.
Chi phí tham quan: 150.000 VNĐ/người lớn, 100.000 VNĐ/trẻ em 6 – 12 tuổi, miễn phí trẻ em dưới 6 tuổi (bao gồm tất cả điểm đến tại thung lũng và các bản làng).
>>> Một trong những địa điểm không thể bỏ qua tại đây chính là ga Mường Hoa.
Cầu treo Lao Chải
Cầu treo Lao Chải là một cây cầu nhỏ bắc qua suối Mường Hoa trên đường vào bản Lao Chải, xung quanh có các hộ dân sinh sống. Cầu được dựng lên bằng chất liệu thô sơ nên chính quyền đã cho xây dựng thêm một cây cầu bê tông kế bên để người dân và du khách qua thuận tiện qua lại. Đặc biệt, bạn nên ghé thăm tọa độ này vào mùa mưa (tháng 5 – tháng 11) để nhìn ngắm dòng suối trong xanh chảy qua thung lũng cùng thảm hoa dại nở rộ dưới chân cầu.
Cầu treo Lao Chải được xem như một góc ban công đón gió giữa bản làng để quan sát đời sống hằng ngày của đồng bào dân tộc. Từ đây, bạn có thể thấy đàn trâu chăm chỉ cày bừa trên thửa ruộng bậc thang, những em bé thơ ngây nô đùa dưới suối hay các cư dân địa phương đang tất bật với công việc nương rẫy, may vá, bán buôn. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể check-in cầu Lao Chải hoặc ghé lại các hộ kinh doanh ở hai bên cầu để trải nghiệm các mặt hàng thủ công như vải thổ cẩm, nong nia, rọ tre, nón lá…
Cầu treo Lao Chải San 2
Khác với vẻ mộc mạc, đơn sơ của cầu treo Lao Chải, cầu treo Lao Chải San 2 lại có phần bề thế hơn do nằm trên đập nước lớn Ý Linh Hồ giữa núi rừng bạt ngàn. Công trình được xây dựng theo thiết kế cầu dây võng với những đoạn cáp bố trí song song, tạo nên vẻ thanh thoát nhưng không kém phần vững chãi. Đây là điểm dừng chân quen thuộc với dân mê trekking, “phượt” tại các cung đường của bản Lao Chải và tìm kiếm những những đàn bướm vàng Sa Pa mỗi dịp tháng 5 – tháng 6.
Đứng trên cầu Lao Chải San 2, du khách có thể đón nhận những làn gió mát lành thổi từ các sườn núi cao, lắng nghe âm thanh của rừng già và ngắm nhìn dòng nước chảy xiết. Tâm trạng lo âu hay những muộn phiền, trăn trở cũng nhờ vậy được vơi đi phần nào. Thêm vào đó, bạn cũng nên tranh thủ có những bức ảnh check-in độc đáo tại cầu Lao Chải San 2. Theo kinh nghiệm, bạn nên tận dụng góc máy hướng về phía núi rừng, ruộng bậc thang hoặc lấy cây cầu làm trung tâm để cho ra những khung hình chất lượng.
Đập thủy điện Ý Linh Hồ
Đứng trên cầu treo Lao Chải San 2, du khách đã có thể bắt gặp đập thủy điện Ý Linh Hồ nằm vắt mình giữa dòng suối xanh biếc. Công trình tuy không lớn nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa năng lượng điện đến vùng sâu, vùng xa tại thung lũng Mường Hoa. Một số trekker, “phượt” thủ thường ghé lại nơi đây sau những ngày mưa lớn để được quan sát quá trình vận hành xả lũ của con đập.
Đập thủy điện Ý Linh Hồ là đôi nét chấm phá của con người trên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, để lại ấn tượng sâu sắc với khách tham quan. Khi con đập xả lũ, âm thanh ào ào như thác đổ vang vọng bên tai của du khách và kích thích trí tò mò, học hỏi. Ngoài ra, chiêm ngắm vẻ đẹp tiềm tàng của con đập cũng khiến lòng người dần trở nên thư thả, đánh tan mọi phiền não thành những bọt nước trắng xóa.
Điểm check-in trên tỉnh lộ 152
Tỉnh lộ 152 dẫn đến bản Lao Chải chắc đã không còn xa lạ với mê “phượt”, nhất là điểm check-in cách đường vào thung lũng Mường Hoa khoảng 100 – 200m. Đoạn đèo tuy có độ dốc nhất định nhưng đã được san phẳng để các phương tiện dễ dàng di chuyển. Xung quanh điểm check-in có ban công che chắn để đảm bảo an toàn cho khách tham quan. Tuy vậy, bạn nên ghé thăm tọa độ này vào khoảng tháng 12 – tháng 4 khi thời tiết hanh khô, tránh con đường bị trơn trượt do mưa bão.
Nhờ độ cao của điểm check-in trên tỉnh lộ 152, bạn có thể nhìn ngắm được toàn cảnh bản Lao Chải, bản Tả Van và dãy núi cao trập trùng đang ẩn hiện giữa những áng mây mù, những tầng sương lạnh. Mặt khác, địa điểm này cũng cho ra những bức ảnh “sống ảo” đẹp mê mẩn với phông nền là vùng thung lũng trú phú. Du khách cũng có thể hỏi thăm người đồng bào dân tộc đang buôn bán gần đó đến chụp ảnh cùng để lưu giữ kỷ niệm với thiên nhiên và con người nơi đây.
Đền cô bé Tả Van
Đền thờ cô bé Tả Van tọa lạc trên một quả đồi nhỏ với địa thế tựa sơn hướng thủy, nằm sâu bên trong đường vào cụm bản Lao Chải – Tả Van. Đây là nơi thờ phụng cô bé Mường Và (Móng Và hay Hải Long công chúa) – một trong những thánh cô bản cảnh miền nhạc phủ, hiện thân của cô bé Thượng Ngàn trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam. Do vậy, đền thờ không chỉ thu hút khách hành hương đến cúng viếng quanh năm mà còn được giới học thuật quan tâm nghiên cứu.
Đến với đền cô bé Tả Van, du khách có thể cầu nguyện bình an, may mắn, phước lành cho bản thân và những người thân yêu trước gian thờ trang nghiêm của thánh cô. Nếu đi vào các dịp Tết Nguyên đán, lễ hội truyền thống địa phương, bạn sẽ có cơ hội tham gia lễ hầu đồng với các nghi thức múa hát, chầu văn, phán truyền, chữa bệnh… Qua đó, du khách có thể hiểu thêm về tín ngưỡng dân gian và đời sống tinh thần của người dân vùng cao Tây Bắc.
Hầu Thào Coffee
Hầu Thào Coffee là điểm đến yêu thích của các tín đồ “săn” mây khi đi qua đoạn đường Lao Chải – Tả Van. Quán cà phê được xây dựng theo lối biệt thự villa nguy nga trên đỉnh đồi, giúp du khách có thể nhìn ngắm khung cảnh hữu tình từ độ cao nhất định. Nếu muốn trải nghiệm “săn” mây tại đây, bạn nên ghé qua vào những buổi sớm nắng đẹp khoảng 7h00 – 9h00 sáng hằng ngày.
Từ những góc cửa kính, ban công của Hầu Thào Coffee, bạn có thể ngắm nhìn “sông” mây trôi nổi kỳ ảo tựa như chốn bồng lai tiên cảnh giữa nhân gian. Khi mây tan và ánh trời dần soi rõ các sườn núi, thửa ruộng, du khách lại được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên đẹp đến nao lòng của vùng núi non trùng điệp. Các thức uống phong phú, đa dạng tại quán như cam ép, trà đào, cà phê… cũng được thực khách đánh giá cao về hương vị lẫn hình thức trang trí.
Mức giá thức uống tham khảo: 45.000 – 65.000 VNĐ/phần.
2 trải nghiệm độc đáo khác tại bản Lao Chải
Đến với bản Lao Chải, du khách còn có thể trải nghiệm nghệ thuật vẽ tranh Batik của người H’Mông đen và thưởng thức đặc sản lê tai nung ngọt mát.
Vẽ tranh Batik
Batik là nghệ thuật vẽ tranh trên vải nổi tiếng của nhiều quốc gia trên thế giới không chỉ riêng tại Việt Nam. Nhưng với người H’Mông đen tại bản Lao Chải, Batik đã trở thành mảnh hồn tinh túy của dân tộc bên cạnh kỹ thuật nhuộm chàm độc đáo. “Đột nhập” những ngôi nhà vẫn giữ nghề vẽ Batik thủ công, du khách sẽ được quan sát các công đoạn để tạo nên hoa văn, họa tiết cầu kỳ trên trang phục truyền thống của người đồng bào vùng cao.
Bên ánh lửa bập bùng, các nghệ nhân tài hoa tỉ mẩn dùng sáp ong nung chảy để vẽ thành hình tròn, hình vuông, đường cong, đường xoắn ốc với bố cục tinh tế trên vải lanh. Khi tấm vải được mang đi nhuộm chàm và luộc qua nước sôi, sáp ong mới tan ra và để lộ những họa hình rực rỡ, tinh xảo, truyền tải thế giới nội tâm phong phú, sống động của người H’Mông đen. Bạn cũng có thể hỏi thăm người dân để được tự tay múa bút và tạo nên tranh vẽ Batik mang dấu ấn của riêng mình.
Thưởng thức lê tai nung
Lê tai nung là món sản vật ngọt dịu, thanh mát nổi tiếng của bản Lao Chải nói riêng và Sa Pa nói chung. Ghé thăm bản làng vào những ngày hè trong xanh, bạn sẽ bắt gặp những vườn lê sai quả trĩu nặng như mời gọi khách đường xa đến thưởng thức. Thịt quả dày, trắng nõn không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn cung cấp nhiều dưỡng chất như vitamin C, canxi, magie… giúp bổ sung năng lượng và thanh nhiệt cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng có thể mua lê tai nung về làm quà biếu gia đình, bạn bè sau chuyến du lịch lý thú.
3+ địa điểm ăn uống tại Lao Chải cho dân mê xê dịch
Bên cạnh những trải nghiệm du lịch thú vị tại bản Lao Chải, du khách cũng không nên bỏ qua những địa chỉ thưởng thức ẩm thực vùng cao tại đây.
A Phủ Local Restaurant
|
Nằm ngay trên con đường vào bản Lao Chải, A Phủ Local Restaurant có không gian thoáng mát, phù hợp với những ai thích vừa thưởng thức ẩm thực, vừa ngắm suối Mường Hoa và đồng ruộng bậc thang bao la. Các món ăn tại đây đều được nêm nếm gia vị đậm đà và trình bày hấp dẫn. Đặc biệt, bạn nên thử món đậu phụ nướng được nhiều thực khách yêu thích. Những viên đậu mềm mại cùng sốt trứng béo ngậy được đặt trên dĩa sắt nên vẫn giữ được độ nóng, mang đến cho thực khách hương vị dân dã nhưng lôi cuốn khó tả.
Các quán ăn không tên của người đồng bào
Nếu chịu khó dạo quanh những ngóc ngách của bản Lao Chải, bạn sẽ phát hiện những hàng quán địa phương không tên của người đồng bào, chủ yếu phục vụ các món ăn gia đình giản dị với mức giá khoảng 50.000 – 100.000 VNĐ/phần. Để tìm được địa chỉ quán ăn ưng ý nhất, bạn nên hỏi thăm trên các diễn đàn mạng xã hội, xin ý kiến của hướng dẫn viên hoặc người dân địa phương. Nhờ vậy, bạn có thể khám phá những nét văn hóa ẩm thực của bản Lao Chải cũng như trải nghiệm thêm nhiều hương vị đa dạng.
Ăn tại điểm lưu trú
Ngoài trải nghiệm tại các quán ăn địa phương, du khách cùng có thể dùng bữa tại điểm lưu trú trên bản Lao Chải. Mặc dù việc này giúp bạn không cần phải di chuyển ra ngoài để ăn uống, nhưng thực đơn tại một số nhà nghỉ, homestay phân khúc tiêu chuẩn thường chỉ cố định trong khoảng vài món nên rất dễ gây nhàm chán. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu trước mức độ đa dạng, phong phú của thực đơn tại đây để đưa ra quyết định phù hợp. Thông thường, chi phí dùng bữa tại các điểm lưu trú trên bản Lao Chải dao động từ 50.000 – 200.000 VNĐ/phần.
Bản Lao Chải có khá ít quán tạp hóa, chủ yếu là các sạp hàng nhỏ, không cung cấp nhiều mặt hàng thiết yếu. Do đó, nếu muốn ăn uống tự túc, bạn nên chuẩn bị sẵn lượng thực phẩm đóng hộp cần thiết trước khi xuất phát từ thị xã Sa Pa. |
9 điểm lưu trú giá hợp lý – dịch vụ tốt tại bản Lao Chải
Nếu có nhu cầu nghỉ ngơi qua đêm hoặc nghỉ dưỡng lâu ngày tại bản Lao Chải, bạn có thể tham khảo 9 điểm lưu trú được du khách đánh giá khá cao dưới đây.
Lao Chải Riverside Stay & Coffee
|
Lao Chải Riverside Stay & Coffee là một căn nhà gỗ nhỏ bước ra từ truyện cổ tích bên dòng suối hiền hòa và ruộng đồng bát ngát. Nội thất bên homestay chủ yếu lấy từ các vật liệu thiên nhiên như gỗ, tre, nứa, hoa khô và điểm thêm những tấm vải thổ cẩm nhiều màu sắc, tạo cảm giác gần gũi, ấm cúng cho du khách. Vào ban đêm, không gian nơi đây trở nên tĩnh lặng, đâu đó văng vẳng tiếng dế kêu du dương, tiếng suối chảy rì rào như đang ru con người vào giấc ngủ say.
Lưu ý khi lưu trú tại Lao Chải Riverside Stay & Coffee:
- Quy mô tương đối nhỏ, phù hợp với đoàn khách từ 15 người trở xuống.
- Cân nhắc nếu bị dị ứng với lông động vật do chủ homestay có nuôi mèo.
- Có thể sử dụng dịch vụ ăn uống tại homestay (bữa sáng thường phục vụ bánh mì, cà phê, bữa tối là các món địa phương).
H’mong Eco House
|
H’mong Eco House là căn homestay nhỏ tọa lạc ngay giữa cánh đồng ruộng bậc thang, được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn lưu trú khi đến với bản Lao Chải. Khi vừa bước vào H’mong Eco House, bạn đã ấn tượng với hương gỗ thơm thoang thoảng vì hầu như toàn bộ ngôi nhà và nội thất đều sử dụng bằng chất liệu này. Mỗi căn phòng tại đây đều có một góc ban công rộng lớn, nơi du khách có thể nhìn ngắm ruộng đồng và nhịp sống bình yên, tự tại của vùng cao Sa Pa.
Lưu ý khi lưu trú tại H’mong Eco House:
- Các phòng dùng chung nhà vệ sinh nhưng không gian khá sạch sẽ, thơm tho.
- Chủ homestay nấu ăn rất ngon, có cung cấp dịch vụ ăn uống đến du khách với mức giá phải chăng.
Laxsik Ecolodge
|
Laxsik Ecolodge là khu resort nghỉ dưỡng cao cấp tọa lạc trên sườn núi, có tầm nhìn ôm trọn thung lũng Mường Hoa cùng những thửa ruộng bậc thang rộng lớn. Mỗi căn phòng tại khu resort đều có thiết kế sang trọng, điểm xuyết thêm hoa văn thổ cẩm tinh tế và được bố trí hệ thống lò sưởi để giữ ấm. Ngoài ra, nơi đây còn tích hợp nhiều dịch vụ, tiện ích đa dạng như hồ bơi vô cực, nhà hàng, trung tâm spa và chăm sóc sức khỏe… giúp du khách có kỳ nghỉ dưỡng trọn vẹn tại bản làng Lao Chải.
Lưu ý khi lưu trú tại Laxsik Ecolodge:
- Có thể tham gia các hoạt động được tổ chức tại đây như lớp học nấu ăn, tour đi bộ đường dài, tour đạp xe, tour về văn hóa địa phương (phụ phí riêng).
- Nên tranh thủ săn tìm các combo khuyến mãi để có giá phòng ưu đãi.
Eco Palms House – Sapa Retreat
|
Eco Palms House – Sapa Retreat là khu nghỉ dưỡng tọa lạc trên tỉnh lộ 152, bao gồm nhiều khu phòng khác nhau được thiết kế dựa trên cảm hứng từ nhà sàn của người dân vùng cao. Đến với điểm lưu trú này, du khách sẽ được chiêm ngắm phong cảnh ngoạn mục của thung lũng Mường Hoa và quan sát nhịp sống thường nhật của đồng bào dân tộc. Hơn hết, Eco Palms House – Sapa Retreat cũng mang đến những khu dịch vụ tích hợp tiện nghi như nhà hàng, hồ bơi, spa thư giãn…
Lưu ý khi lưu trú tại Eco Palms House – Sapa Retreat:
- Khu nghỉ dưỡng cung cấp các tour trekking đường dài để giúp du khách hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa tại đây (phụ phí riêng).
- Có thể tham khảo những phòng có bồn tắm gỗ ngắm cảnh thiên nhiên.
SaPa Farmer House
|
Mặc dù không rộng lớn, bề thế như những khu resort cao cấp, SaPa Farmer House vẫn để lại kỷ niệm đẹp cho du khách khi ghé thăm bản Lao Chải. Khu homestay bé xinh nằm trên sườn đồi, giúp du khách vừa ngắm cảnh, vừa sưởi nắng tại những góc hiên nhà. Đặc biệt, SaPa Farmer House giản dị như cái tên của mình, đưa du khách đến một không gian đậm chất miền quê với nội thất đặc trưng của người đồng bào dân tộc. Đây là điểm lưu trú hoàn hảo cho một kỳ nghỉ ngắn hạn, tạm rời xa sự hối hả và nhộn nhịp của thành phố.
Lưu ý khi lưu trú tại SaPa Farmer House:
- Có thể mang theo vật nuôi và nhờ chủ homestay (cô Zolly) hỗ trợ thức ăn chó/mèo.
- Có thể nhờ chủ homestay hỗ trợ thuê xe máy, thuê hướng dẫn viên cho tour trekking hoặc đặt vé xe.
Big Tree Hmong Homestay
|
Big Tree Hmong Homestay mang vẻ đẹp thuần túy của bản sắc văn hóa vùng cao. Các căn phòng tại đây không bày vẽ nến thơm, tranh vẽ mà chỉ đơn giản là những tấm nệm dày ấm áp và màn mùng chống muỗi. Điểm thu hút nhất tại Big Tree Hmong Homestay có lẽ là lòng nhiệt thành, hiếu khách của gia đình chủ nhà, luôn quan tâm, chiếu cố du khách đến nghỉ ngơi, thư giãn. Đặc biệt, vào những đêm đông lạnh giá, bạn có thể quây quần bên bếp lửa hồng và thưởng thức rượu ngô cùng chủ homestay.
Lưu ý khi lưu trú tại H’mong Eco House:
- Các phòng dùng chung nhà vệ sinh nhưng không gian khá sạch sẽ, thoáng mát.
- Chủ homestay có cung cấp tour trekking Sa Pa cho những du khách yêu thích vận động, phiêu lưu.
Rùa House Mountain Hamlet Sapa
|
Rùa House Mountain Hamlet Sapa nằm ở đỉnh đồi bản Ý Linh Hồ – Lao Chải, xung quanh là xóm nhỏ của dân bản địa. Đứng tại bất kỳ vị trí nào tại đây, du khách đều có thể thể phóng tầm mắt nhìn ra ruộng đồng bậc thang bốn mùa và con suối Mường Hoa lãng mạn. Kiến trúc căn homestay mang hơi thở của những ngày xưa cũ với bậu cửa sổ nho nhỏ, hiên nhà lộng gió và những chậu cây xinh xắn mang theo hương đồng cỏ nội quyến rũ.
Lưu ý khi lưu trú tại Rùa House Mountain Hamlet Sapa:
- Phòng cách âm kém nên có thể nghe được âm thanh chuyện trò ồn ào từ phòng bên cạnh.
- Có tủ đựng sách văn học tại khu sinh hoạt chung tầng 1 để du khách đọc và thư giãn.
ChaPa Ecolodge
|
Chapa Ecolodge là điểm lưu trú lý tưởng để ẩn náu khỏi ánh đèn đô thị và tìm về chốn bình yên nơi rừng núi bạt ngàn, tĩnh lặng. Khu nghỉ dưỡng này chia thành 6 bungalow tách biệt, đảm bảo sự riêng tư cho các du khách, mỗi phòng ốc đều được trang trí đẹp mắt và quét dọn sạch sẽ. Tại đây, bạn có thể vừa thưởng trà/uống rượu vang, vừa ngắm nhìn dãy núi nhấp nhô giữa những tầng mây mù bảng lảng.
Lưu ý khi lưu trú tại ChaPa Ecolodge:
- Khu nghỉ dưỡng có cung cấp các tour đi bộ dã ngoại, tìm hiểu đời sống của người vùng cao, tình nguyện…
- Có thể liên hệ với khu nghỉ dưỡng để tổ chức đốt lửa trại hay buổi biểu diễn giao lưu văn hóa đặc sắc.
Sapa Clay House
|
Nhờ tầm nhìn ngắm cảnh tuyệt vời và thái độ phục vụ tận tâm, Sapa Clay House đã thành công gây ấn tượng với du khách khi ghé thăm bản Lao Chải. Từ tọa độ này, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngắm “biển” mây trôi phiêu lãng, phủ kín khắp sườn đồi vào những buổi sớm se lạnh. Bên cạnh đó, thiết kế phòng của Sapa Clay House phối hợp hài hòa giữa nét hiện đại và những chi tiết tinh xảo, cầu kỳ của vải thổ cẩm cũng như những vật dụng bằng gỗ, bằng tre truyền thống.
Lưu ý khi lưu trú tại ChaPa Ecolodge:
- Khu nghỉ dưỡng cung cấp các tour đi bộ dã ngoại, khóa tu, lớp học nấu ăn, khóa học vẽ tranh Batik và nhuộm chàm (phụ phí riêng).
- Có thể check-in “sống ảo” tại khuôn viên vườn tược với những bụi hoa hồng nở rộ khoe sắc.
Hy vọng những thông tin hữu ích trên đây đã giúp bạn nắm bắt trọn bộ điểm đến, trải nghiệm và địa chỉ lưu trú tại bản Lao Chải. Ghé thăm bản làng xinh đẹp này, bạn sẽ được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên thi vị, giao lưu với những con người địa phương niềm nở và xua đi những mệt nhọc, phiền hà của đời sống bộn bề.
Leave a Reply