6 địa điểm và 8 trải nghiệm đáng nhớ tại bản Tả Phìn – ốc đảo giữa núi rừng

Do được bao bọc bởi hai dãy núi đá vôi hùng vĩ cũng như đường giao thông đi lại khó khăn, bản Tả Phìn gần như nằm biệt lập hoàn toàn với các khu vực khác và được mệnh danh là ốc đảo của “xứ sở sương mù” Sa Pa. Dừng chân ghé lại thôn bản này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng và trải nghiệm nhiều hoạt động lý thú.

Khung cảnh bản Tả Phìn
Trọn bộ 14 địa điểm và trải nghiệm hấp dẫn tại bản Tả Phìn (Nguồn: FB Taphin’s)

Giới thiệu đôi nét về bản Tả Phìn

Theo dõi các thông tin về vị trí địa lý, đặc điểm quãng đường – phương tiện di chuyển và chi phí tham quan dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về bản Tả Phìn.

Bản Tả Phìn ở đâu Sa Pa?

Bản Tả Phìn là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng người Dao – H’Mông (chủ yếu là người Dao đỏ) thuộc địa phận thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thị xã khoảng 11km chếch về hướng Bắc. Trên hành trình khám phá địa danh này, du khách có thể kết hợp tham quan một số điểm du lịch lân cận như Sun World Fansipan Legend, đỉnh Hàm Rồng, đèo Ô Quy Hồ hoặc bản Sâu Chua.

Vị trí bản Tả Phìn Sa Pa nhìn trên bản đồ vệ tinh
Vị trí của bản Tả Phìn trên bản đồ vệ tinh (Nguồn: Google Maps)

Đường đi bản Tả Phìn có khó đi không? Nên di chuyển bằng xe máy hay ô tô?

Để đến được bản Tả Phìn, du khách phải vượt qua những ngã rẽ ngoằn ngoèo, con dốc cheo leo, nhiều đoạn trũng xốc nẩy liên tục. Thậm chí có những con đường đèo nhỏ hẹp đến mức chỉ đủ một chiếc xe máy chen qua, xe đi ngược chiều phải nép sát vào vách đá để tránh va chạm. Chính vì thế, cách di chuyển thuận tiện và an toàn nhất vào bản là thuê các bác xe ôm người bản địa.

Đường đèo dẫn đến Tả Phìn Sa Pa
Đường đèo dẫn đến bản Tả Phìn đòi hỏi phải du khách phải tập trung cao độ (Nguồn: Du lịch Sa Pa)

Nếu là một “phượt” thủ dày dặn kinh nghiệm và hoàn toàn vững tin vào kỹ năng cầm lái của mình, bạn cũng có thể tự lái xe máy đến bản Tả Phìn Sa Pa. Dọc quãng đường vắng vẻ này, bạn sẽ được đắm chìm trong bầu không khí trong lành, khoáng đạt và phong cảnh núi non đẹp đến nao lòng. Khi đã đến đầu bản, bạn sẽ bắt gặp những người phụ nữ Dao đỏ đang tụ tập quanh nương rẫy hoặc vào rừng hái lá thuốc.

Mặt khác, trong vài năm trở lại đây, chính quyền địa phương đã nâng cấp đường giao thông và giúp cho các xe ô tô cỡ nhỏ có thể tiến vào trung tâm bản Tả Phìn Lào Cai. Tuy nhiên, bạn nên hỏi thăm người đi trước hướng dẫn di chuyển chi tiết để tránh lạc đường và phòng ngừa các tình huống bất ngờ.

Vé vào tham quan bản Tả Phìn bao nhiêu?

Theo cập nhật mới nhất vào tháng 3/2024, giá vé bản Tả Phìn là 40.000 VNĐ đối với người lớn và 20.000 VNĐ đối với trẻ em. Bên cạnh đó, du khách cũng nên dự trù trước kinh phí cho các hoạt động ăn uống – nghỉ dưỡng tùy theo nhu cầu cá nhân. Do trong bản hầu như không có cây ATM, bạn nên mang theo tiền mặt để thanh toán nhanh chóng các khoản phí phát sinh.

Nên đi du lịch Tả Phìn thời gian nào? 4 thời điểm thích hợp nhất

Vào mỗi thời điểm trong năm, bản Tả Phìn lại khoác lên những vẻ đẹp riêng tương ứng với các trải nghiệm đặc trưng khác nhau. Tiêu biểu như:

  • Mùa “săn” mây (tháng 10 – tháng 4): Giữa tiết trời se lạnh và độ ẩm không khí cao, những tầng mây dày được hình thành bao phủ khắp các triền núi tựa như chốn bồng lai tiên cảnh giữa nhân gian, làm rung động những tâm hồn yêu thích cái đẹp.
  • Mùa hoa đào, hoa mận (tháng 1 – tháng 3): Khi mùa xuân về đến bản làng vùng cao, khách tham quan đi du xuân, chơi Tết sẽ có cơ hội ngắm nhìn những đồi hoa đào, hoa mận đang độ bung sắc khoe hương, tô điểm cho vùng đất hẻo lánh.
  • Mùa nước đổ (tháng 5 – tháng 6): Bấy giờ, những cơn mưa mùa hạ bắt đầu trút nước xuống cánh đồng cằn cỗi, hình thành nên mặt ruộng sóng sánh ánh bạc cũng như tiếp thêm sinh khí cho nhiều loài cây ăn quả đơm hoa kết trái như chuối rừng, sung rừng, lê tai nung…
  • Mùa lúa chín (tháng 9 – tháng 10): Cứ đến vụ thu hoạch, những tín đồ “săn” lúa lại rục rích kéo nhau đến Tả Phìn Sa Pa để được chiêm ngưỡng các thửa ruộng bậc thang dát vàng rộng miên man, tỏa ngát hương lúa chín thơm lừng đến mọi ngóc ngách, nẻo đường.
Hoa đào phai nở rộ tại bản Tả Phìn Lào Cai
Hoa đào phai nở rộ đung đưa trong gió xuân thu hút lữ khách miền xuôi đến với bản Tả Phìn Lào Cai (Nguồn: Báo Dân trí)

6 địa điểm nên ghé thăm tại bản Tả Phìn

Trong hành trình khám phá bản Tả Phìn, du khách không nên bỏ qua những địa điểm nổi bật dưới đây, mỗi địa điểm góp phần thể hiện những đường nét kỳ vĩ của thiên nhiên và giá trị văn hóa truyền thống của người đồng bào.

6 toạ độ tham quan nổi tiếng tại bản Tả Phìn ở Sa Pa
Điểm danh 6 tọa độ tham quan nổi tiếng tại bản Tả Phìn ở Sa Pa (Nguồn: Tổng hợp)

Cung đường ruộng bậc thang

Rong ruổi khắp con đường làng bình yên của bản Tả Phìn, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát những thửa ruộng bậc thang nối đuôi nhau từ hai bên vệ đường ra đến sườn đồi uốn lượn và hòa vào mảng xanh tươi tốt của rừng già. Từng thửa ruộng được sắp xếp lớp lang như những nấc thang dài, dẫn lối lên bầu trời trong xanh và chạm đến những tầng mây mù bảng lảng. Tất cả đã tạo nên khung cảnh ngoạn mục, khiến những nhiếp ảnh gia lão làng cũng phải gật gù tán thưởng.

Ruộng bậc thang đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong một chuyến du lịch Tây Bắc
Ruộng bậc thang đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong một chuyến du lịch Tây Bắc (Nguồn: FB Bản Tả Phìn – Sapa)

Mỗi mùa mỗi vẻ, ruộng bậc thang bản Tả Phìn lại khoác lên những màu sắc riêng. Vào mùa nước đổ, đó là tấm áo bạc lung linh của mặt nước tráng gương xen lẫn những đám mạ non hẵng còn cấy dở. Đến lúc mạ non trổ mã tươi tốt, vùng nương rẫy bỗng chốc hóa thành tấm thảm xanh mơn mởn, ngời ngời sức sống mãnh liệt. Rồi khi thân lúa bắt đầu đơm bông trĩu hạt, sắc xanh cũng nhường chỗ cho màu vàng ươm rực rỡ và tạo nên “biển châu báu” giữa vùng rừng núi hoang sơ.

Mảnh gương ruộng xen lẫn những đám mạ non mới nhú
Mảnh gương ruộng xen lẫn những đám mạ non mới nhú (Nguồn: Elite Tour)
Lúa vàng ruộm phác họa nên một bức tranh sơn dầu tuyệt đẹp
“Biển” lúa vàng ruộm phác họa nên một bức tranh sơn dầu tuyệt đẹp (Nguồn: FB Tả Phìn Lodge in Sapa)

Tản bộ trên cung đường ruộng bậc thang bản Tả Phìn Sa Pa, du khách có thể vi vu “sống ảo” và thả hồn vào những cơn gió trời mát mẻ. Hương thơm dịu dàng của lúa hòa quyện vào mùi ngai ngái của bùn lầy khiến tâm hồn con người trở nên thư thả đến lạ. Tại đây, bạn cũng có thể ngắm nhìn đàn trâu nước cặm cụi cày bừa, những em bé thơ ngây nô đùa bên suối và người nông dân vùng cao đang tất bật với công việc đồng áng bộn bề.

Thỏa thích chụp ảnh check-in giữa ruộng đồng xanh mướt
Thỏa thích chụp ảnh check-in giữa ruộng đồng xanh mướt (Nguồn: FB Tả Phìn Lodge in Sapa)

Lưu ý khi tham quan cung đường ruộng bậc thang:

  • Nên chọn những góc chụp cao để bao quát toàn bộ thửa ruộng rộng mênh mông.
  • Nên mang giày dép đế bằng có gam màu tối vì đường đất đi sâu vào đồng ruộng khá gập ghềnh và nhiều bùn lầy.

Vườn dâu Tả Phìn

Đi qua cầu 32 khoảng 1km vào thôn Ma Tra thuộc bản Tả Phìn, du khách sẽ đến được vườn dâu tây của hợp tác xã Thắng Lợi. Nhiều giống dâu ngon đến từ Mỹ, Hàn, Nhật, New Zealand được trồng trên giàn cao theo phương thức thủy canh trong khuôn viên nhà kính rộng khoảng 20.000m2. Từ tháng 1 đến tháng 4 hằng năm, vườn dâu tây bắt đầu kết quả đỏ mọng và rũ xuống hai bên thành chậu, lôi cuốn nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Vườn dâu Tả Phìn được trồng sạch sẽ trên giàn cao bên trong nhà kính
Vườn dâu được trồng sạch sẽ trên giàn cao bên trong nhà kính (Nguồn: Du lịch Lào Cai)
Cận cảnh những quả dâu tây căng tròn đỏ mọng
Cận cảnh những quả dâu tây căng tròn đỏ mọng vào mùa xuân (Nguồn: Du lịch Lào Cai)

Đến với vườn dâu Tả Phìn, du khách có thể tự tay hái những quả dâu đỏ au rồi thưởng thức ngay tại vườn hoặc mua về làm quà biếu gia đình, bạn bè với giá dao động từ 150.000 đến 300.000 VNĐ/kg. Dâu tây tại đây được chăm bón hữu cơ và không sử dụng các chất tăng trưởng độc hại nên đảm bảo an toàn cho người dùng mà vẫn giữ được hương vị thơm ngon. Đứng giữa không gian nhà kính, du khách cũng có thể chụp được những bức ảnh đẹp mê ly bên cạnh những giàn dâu sai quả hoặc giỏ dâu tây đầy ắp.

Du khách thích thú trải nghiệm hái dâu tại vườn
Mê mẩn với giỏ dâu tây đầy ắp trong tay du khách (Nguồn: VietnamNet)
Tự tin thả dáng “sống ảo” tại vườn dâu Tả Phìn
Tự tin thả dáng “sống ảo” tại vườn dâu Tả Phìn (Nguồn: Sapa Review)

Lưu ý khi tham quan vườn dâu Tả Phìn:

  • Tuân thủ quy định của ban quản lý về cách hái dâu, chọn dâu.
  • Nên chọn những trang phục có gam màu tươi sáng, dễ thương khi chụp ảnh tại vườn.

Tu viện cổ Tả Phìn

Nằm dù đã bị bỏ hoang từ hơn nửa thế kỷ qua nhưng tu viện cổ Tả Phìn vẫn khiến nhiều du khách phải tròn mắt thán phục trước một kỳ quan Kitô giáo cổ kính, huyền bí như bước ra từ câu chuyện thần thoại. Công trình từng nơi tu hành của 12 nữ tu của Hội thánh Kitô bị trục xuất khỏi Nhật Bản và lưu lạc đến vùng đất này. Nơi đây hầu như chỉ còn lại những mảng tường đá phủ kín rêu phong, không có mái che và mặt đất mọc đầy cỏ dại chen vào các khe đá nứt.

Tu viện cổ Tả Phìn nhìn từ trên cao
Tu viện cổ Tả Phìn nằm trên đường vào trung tâm bản (Nguồn: Jonathan St-germain)
Mảng tường đá cổ kính tại tu viện cổ Tả Phìn
Mảng tường đá có dáng vẻ xơ xác, tiêu điều nhưng cũng không kém phần cổ kính (Nguồn: FB Hương Vũ)

Ghé thăm tu viện cổ Tả Phìn, du khách có thể chạm tay vào những đường nét kiến trúc cổ điển nhuốm màu thời gian, lặng im ngẫm nghĩ về một thời quá khứ xa xăm và tìm hiểu lịch sử phát triển của xứ đạo Lào Cai. Hướng góc máy ảnh về những tàn tích còn sót lại của tu viện như khung cửa mái vòm, hành lang hoang phế hay tường đá lạnh lẽo, bạn có thể chụp được những bức hình đậm chất nghệ thuật.

Du khách check in tại tu viện cổ Tả Phìn
Tu viện cổ Tả Phìn mang đến cho du khách cảm xúc hoài niệm (Nguồn: FB Quang Thái)
Bối cảnh trầm mặc được nhiều tín đồ “săn” ảnh ưa chuộng
Bối cảnh trầm mặc được nhiều tín đồ “săn” ảnh ưa chuộng (Nguồn: FB Nguyễn Huy)

Lưu ý khi tham quan tu viện cổ Tả Phìn:

  • Nên lựa chọn trang phục theo phong cách vintage – retro khi chụp ảnh tại tu viện.
  • Không tác động mạnh, phá hoại công trình kiến trúc cổ xưa.

Hang Tả Phìn

Hang Tả Phìn là một tuyệt tác của mẹ thiên nhiên được tạo nên từ vết nứt dưới chân núi đá vôi Trị San Kỳ và nằm ẩn mình sau những cánh rừng rậm rạp. Không gian bên trong hang động thường tối tăm, ẩm thấp, vang vọng âm thanh nước nhỏ giọt tí tách từ những cột đá nhũ thạch. Đặc biệt, bạn nên ghé thăm tọa độ này vào mùa khô (khoảng tháng 5 – tháng 10) khi dòng suối chảy qua hang đã cạn dần và đường đi trở nên khô thoáng, dễ di chuyển.

Du khách chụp ảnh tại cửa hang Tả Phìn
Cửa hang Tả Phìn mở ra lối đi tối tăm, ẩm thấp (Nguồn: Dulich3mien)
Những bức tường đá gồ ghề bên trong hang động
Những bức tường đá gồ ghề bên trong hang động (Nguồn: Nasha Planeta)

Trên hành trình khám phá hang Tả Phìn, du khách cần băng qua những đoạn đường khúc khuỷu, nhỏ hẹp, leo lên những bậc thang gỗ dốc đứng, có lúc phải cúi gập người hoặc trườn bò để luồn lách qua lại. Đây là một thử thách đầy thú vị dành cho những con người đam mê phiêu lưu, mạo hiểm. Trên đường đi, bạn có thể chiêm ngưỡng những khối thạch nhũ với nhiều hình thù kỳ lạ, được tạo tác tinh xảo qua hàng triệu năm và tỏa ánh xanh ngọc bích hư ảo, huyễn hoặc.

Du khách cẩn thận luồn lách bên trong hang động nhỏ hẹp
Du khách cẩn thận luồn lách bên trong hang động nhỏ hẹp (Nguồn: Tripadvisor)
Những cột đá nhũ thạch rũ xuống từ trần hang
Những cột đá nhũ thạch rũ xuống từ trần hang (Nguồn: Hà Vũ)

Lưu ý khi tham quan hang Tả Phìn:

  • Nên chuẩn bị sẵn đèn pin hoặc thuê đèn của người dân tộc tụ tập quanh cửa hang.
  • Nên cân nhắc thuê người trong bản dẫn đường để khám phá nhiều đoạn hang động ít người biết đến.

Nhà cộng đồng Tả Phìn

Nhà cộng đồng Tả Phìn tọa lạc nổi bật ngay trung tâm bản, nằm cạnh trường tiểu học và nhà máy xát gạo. Công trình được xây dựng từ đá, gỗ thông gai, gạch không nung, áp dụng công nghệ hiện đại để tạo thành nơi sinh hoạt chung của cư dân bản địa. Tổng thể ngôi nhà có kiến trúc sắc cạnh, lấy cảm hứng từ chiếc khăn đỏ quấn đầu của người phụ nữ Dao và hình ảnh đồi núi. Không gian nhà cộng đồng rộng khoảng 100m2, trần nhà cao, các cửa ra vào thông với nhau nên khá thoáng đãng, mát mẻ.

Con đường nhỏ dẫn đến nhà cộng đồng Tả Phìn
Con đường nhỏ dẫn đến nhà cộng đồng Tả Phìn (Nguồn: 112.com)
Kiến trúc ngôi nhà lấy cảm hứng từ sắc đỏ của chiếc khăn đội đầu
Kiến trúc ngôi nhà lấy cảm hứng từ sắc đỏ của chiếc khăn đội đầu và địa hình núi non hiểm trở (Nguồn: tourguidesapa)

Bước vào nhà cộng đồng Tả Phìn, du khách có thể thưởng lãm phòng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng như tham quan phòng làm việc, thư viện nhỏ, trạm phát tín hiệu thông tin để hiểu thêm về đời sống của người đồng bào. Ngoài ra, vào những dịp hội họp của người dân bản Tả Phìn tại nhà cộng đồng, bạn sẽ được thưởng thức tiếng đàn, tiếng hát trong trẻo và tham gia các trò chơi dân gian đặc sắc.

Không gian sinh hoạt bên trong nhà cộng đồng Tả Phìn
Không gian sinh hoạt bên trong nhà cộng đồng Tả Phìn (Nguồn: 112.com)
Du khách và người dân cùng nhau tham gia múa sạp trên những thanh tre
Du khách và người dân cùng nhau tham gia múa sạp trên những thanh tre (Nguồn: 112.com)

Lưu ý khi tham quan nhà cộng đồng Tả Phìn:

  • Nếu thấy cửa vào bị khóa, bạn nên liên hệ UBND xã Tả Phìn để được hỗ trợ.
  • Tuân thủ các quy định về chạm/nắm đồ thủ công mỹ nghệ được triển lãm tại phòng trưng bày (nếu có).

Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Artika

Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Artika nằm biệt lập trên một ngọn đồi của bản Tả Phìn, được xây dựng từ năm 2012 với nhiều hạng mục công trình đa dạng. Đây là một dự án quy mô lớn tập hợp tác phẩm của các nhà điêu khắc hàng đầu Việt Nam, bao gồm bảo tàng triển lãm nghệ thuật trừu tượng, công viên ngoài trời, resort nghỉ dưỡng cao cấp, khu cắm trại và hầm rượu. Trong đó, nhiều hạng mục vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện để phục vụ nhu cầu trải nghiệm của du khách.

Toàn cảnh quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Artika
Toàn cảnh quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Artika (Nguồn: FB Artika – Valley of Arts)
Khu resort sang trọng nằm ở vị trí cao nhất của ngọn đồi và vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện
Khu resort sang trọng nằm ở vị trí cao nhất của ngọn đồi và vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện (Nguồn: Tripadvisor)

Đến với quần thể Artika, du khách sẽ ấn tượng với những bức tượng điêu khắc công phu được tạo nên từ bàn tay tài ba của các nghệ nhân Tạ Quang Bạo, Lê Công Thành, Nguyễn Trọng Đoan… Các tác phẩm thể hiện sự giao thoa tinh tế giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, hòa hợp với cảnh sắc thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa vùng miền. Từ khuôn viên của Artika, bạn có thể ngắm nhìn trọn vẹn cảnh vật thanh bình của bản Tả Phìn và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.

Các công trình của Artika hòa hợp với thiên nhiên bản Tả Phìn
Các công trình của Artika hòa hợp với thiên nhiên bản Tả Phìn (Nguồn: Senzu Nut)
Bức tượng điêu khắc “Hơi thở bậc giác ngộ” mang phong cách nghệ thuật Gandhara
Bức tượng điêu khắc “Hơi thở bậc giác ngộ” truyền tải hình ảnh Đức Phật theo phong cách nghệ thuật Gandhara (Nguồn: Michael Nguyen)

Lưu ý khi tham quan quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Artika:

  • Không đi vào khu vực đang thi công của các hạng mục công trình.
  • Nên mang giày dép đế bằng để tránh đau mỏi chân khi đi dạo trong khuôn viên rộng lớn.

8 trải nghiệm có một không hai tại bản Tả Phìn

Những sản vật dung dị của núi rừng và văn hóa truyền thống bản địa đã mang đến cho bản Tả Phìn nhiều trải nghiệm du lịch độc đáo đang chờ bạn khám phá.

Tắm lá thuốc người Dao

Nếu cảm thấy mệt mỏi sau chuyến đi dài đến bản Tả Phìn, du khách nên thử tắm lá thuốc theo phương thức cổ truyền của người Dao. Từ thời xưa, người dân miền núi đã biết cách kết hợp những loại cây dược liệu quý hiếm của rừng Hoàng Liên để nấu nước tắm và nhận thấy các công dụng y học rõ rệt. Bài thuốc này có thể áp dụng cho nhiều đối tượng từ người già đến trẻ nhỏ, giúp giảm đau nhức xương khớp, hồi phục năng lượng và hỗ trợ điều trị các bệnh về da.

Người dân chuẩn bị nguyên liệu nấu nước tắm của người Dao
Nguyên liệu nấu nước tắm của người Dao đỏ là các loài dược liệu quý như lá vối, hoàng bá nam, long não, kim ngân… (Nguồn: FB Sapa Green Spa)

Hiện nay, có khoảng 40 hộ dân tại bản Tả Phìn cung cấp dịch vụ tắm lá thuốc với giá khoảng 80.000 – 100.000 VNĐ/lượt. Đến đây trải nghiệm, bạn sẽ được ngồi thư giãn trong những chiếc thùng gỗ pơ mu và đắm mình vào làn nước thuốc ấm áp. Các hoạt chất theo làn nước len lỏi vào từng tế bào của cơ thể kết hợp với hương thảo mộc dịu nhẹ phảng phất trong không khí giúp xoa dịu tinh thần căng thẳng của du khách. Đây cũng là kinh nghiệm đi bản Tả Phìn được nhiều du khách đánh giá cao.

Du khách thích thú trải nghiệm tắm lá thuốc người Dao
Nước tắm thường có màu nâu đậm và tỏa hương tinh dầu thảo mộc (Nguồn: FB Sapa Green Spa)

Lưu ý khi trải nghiệm tắm lá thuốc người Dao:

  • Chỉ nên tắm trong tối đa 30 phút, nếu ngâm mình quá lâu có thể dẫn đến tình trạng say thuốc.
  • Không tắm trong tình trạng say xỉn vì nhiệt độ cao có thể khiến lượng đường huyết trong máu hạ xuống đột ngột.
Chia sẻ của các du khách về công hiệu của bài tắm lá thuốc đối với sức khỏe
Chia sẻ của các du khách về công hiệu của bài tắm lá thuốc đối với sức khỏe

Tham dự đám cưới người Dao đỏ

Đám cưới của người Dao đỏ bản Tả Phìn, thường được tổ chức từ tháng 10 đến tháng Chạp Âm lịch và diễn ra liên tục ba ngày ba đêm. Trước khi tiến hành lễ cưới khoảng một năm, hai bên nhà trai, nhà gái tiến hành dạm ngõ và chuẩn bị may áo cưới, lễ vật chu đáo, cô dâu – chú rể cũng không được gặp nhau trong suốt thời gian đó. Điều này cho thấy ý nghĩa linh thiêng của việc “dựng vợ gả chồng” trong tín ngưỡng của người Dao đỏ và kích thích sự tò mò của nhiều du khách.

Khung cảnh đám cưới của người Dao đỏ
Đám cưới là dịp trọng đại đối với người Dao đỏ, thường được chuẩn bị kỹ lưỡng trong suốt một năm (Nguồn: Du lịch Sa Pa)

Phong tục cưới xin của người Dao đỏ bản Tả Phìn khá cởi mở, gia đình thường mời các du khách gần xa đến uống rượu chung vui và chúc phúc cho cặp đôi mới cưới. Nếu may mắn bắt gặp đoàn rước/đưa dâu trên đường, bạn nên mạnh dạn xin phép đi cùng để hòa vào tiếng kèn, tiếng trống rộn rã và chứng kiến các nghi thức trang trọng như cúng trình tổ tiên, đuổi tà ma, hát đối đáp… Tấm áo cưới và chiếc khăn đội đầu của cô dâu người Dao đỏ cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng của du khách bởi những kim mũi chỉ tỉ mỉ và họa tiết cầu kỳ.

Người dân quanh quần bên mâm cơm ăn mừng lễ cưới
Người dân quanh quần bên mâm cơm ăn mừng lễ cưới (Nguồn: Tạp chí Giáo dục)

Lưu ý khi tham dự đám cưới người Dao đỏ:

  • Ăn mặc lịch sự và tác phong chỉn chu khi tham gia các nghi thức trang trọng.
  • Không tự ý vén khăn trùm đầu của cô dâu (trừ người thân trong gia đình).
Nhận xét của khách tham quan về đám cưới của người Dao đỏ
Nhận xét của khách tham quan về đám cưới của người Dao đỏ

Tham dự các lễ hội đặc trưng của đồng bào dân tộc

Lễ hội là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống tại bản Tả Phìn, là dịp để du khách tận hưởng không khí sôi động, náo nhiệt và hòa nhập vào đời sống tinh thần của người đồng bào dân tộc. Một số lễ hội tiêu biểu tại đây có thể kể đến như:

  • Lễ cấp sắc (tháng 11 – tháng Giêng Âm lịch): Đây là phong tục bắt buộc công nhận sự trưởng thành của người đàn ông Dao đỏ, thường diễn ra trong khoảng 1 – 5 ngày. Thầy chủ trì sẽ thực hiện lễ qua đèn – lễ thăng cấp, lập bàn thờ cúng tổ tiên Bàn Vương và cầu nguyện may mắn cho người được cấp sắc.
  • Lễ hội Tết nhảy (mùng 1 – mùng 2 tháng Giêng Âm lịch): Người dân địa phương cùng nhau nhảy điệu múa dân gian, mời gọi tổ tiên và thần linh về hạ giới ăn Tết cùng con cháu. Ngày lễ được tổ chức với mục đích cầu nguyện một khởi đầu mới tốt đẹp, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no.
  • Lễ hội Pút Tồng (mùng 9 tháng Giêng Âm lịch): Đây là một hình thức diễn xướng thờ cúng tổ tiên của người Dao đỏ thể hiện qua các điệu nhảy, múa. Bạn cũng có tham gia các trò chơi dân gian thú vị trong ngày hội.
  • Lễ hội Hát giao duyên (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch): Đến với lễ hội này, du khách sẽ được lắng nghe giọng hát ân tình của nam thanh nữ tú, hồ hởi cỗ vũ cho các cuộc thi chọi dê, chọi lợn và nhiều hoạt động vui chơi nhộn nhịp khác.
Lễ cấp sắc diễn ra với các nghi thức cúng bái phức tạp
Lễ cấp sắc diễn ra với các nghi thức cúng bái phức tạp (Nguồn: Báo Lào Cai)
Màn trình diễn văn nghệ mãn nhãn trong lễ hội Pút Tồng bản Tả Phìn
Màn trình diễn văn nghệ mãn nhãn trong lễ hội Pút Tồng bản Tả Phìn (Nguồn: Báo Lào Cai)

Lưu ý khi tham dự các lễ hội đặc trưng của đồng bào dân tộc:

  • Bảo quản tư trang cẩn thận vì dòng người đông đúc, khó quản lý.
  • Không chen lấn, xô đẩy, gây mất an ninh trật tự.
  • Trang phục lịch sự, ứng xử văn minh và tôn trọng tín ngưỡng tâm linh của dân tộc khác.
Du khách ấn tượng với các lễ hội đặc trưng của người đồng bào dân tộc
Các lễ hội đặc trưng của người đồng bào dân tộc đem lại cho du khách những trải nghiệm khó quên

Hái và thưởng thức mận tại vườn

Vào khoảng tháng 5 – tháng 6 hằng năm, những bông hoa mận trắng muốt của Tả Phìn bắt đầu kết thành những chùm quả chín mọng. Loài mận đỏ Sa Pa tại đây thường được trồng ngay vườn nhà, không chăm bón thuốc hóa học mà vẫn to tròn, thơm ngon. Dưới cái nắng hè rót mật ngày hè, còn gì tuyệt bằng khi được tự tay hái mận và xuýt xoa trước hương vị ngọt thanh, chua nhẹ lan tỏa.

Cận ảnh quả mận Sa Pa to, lớp vỏ chín chuyển dần sang màu đỏ tìm
Mận Sa Pa quả to, lớp vỏ khi chín chuyển dần sang màu đỏ tím, có thể ăn tươi, ngâm đường làm mứt hoặc ủ rượu (Nguồn: Báo VnExpress)

Dạo quanh các vườn mận tại nhà dân Tả Phìn, du khách sẽ phải trầm trồ trước những cành mận trĩu quả vấn vương phấn trắng cùng những giọt sương mai tinh khiết. Bạn có thể trực tiếp hái và thưởng thức mận chín tại vườn hoặc mua về làm quà biếu tặng với giá khoảng 30.000 – 50.000 VNĐ/kg. Thêm vào đó, khu vườn mận cũng sở hữu những góc “sống ảo” duyên dáng và nên thơ, khiến nhiều bạn trẻ phải nhanh tay chụp lại để lưu làm kỷ niệm.

Cây mận sai quả xum xuê tạo phông nền cho bức ảnh của du khách
Cây mận sai quả xum xuê tạo thành phông nền tươi mát cho các tín đồ đam mê “sống ảo” (Nguồn: Việt Nam Tourism)

Lưu ý khi trải nghiệm hái và thưởng thức mận tại vườn:

  • Nên chủ động nhờ chủ vườn chia sẻ cách hái và lựa chọn mận ngon.
  • Nên cập nhật thời điểm thu hoạch mận trên các diễn đàn mạng xã hội vì mùa mận chín có thể đến sớm hoặc muộn hơn theo sự thay đổi thất thường của thời tiết.
Hương vị thơm ngon của quả mận chín khiến nhiều du khách phải xao xuyến
Hương vị thơm ngon của quả mận chín khiến nhiều du khách phải xao xuyến

Hái lá thuốc

Không chỉ dừng lại ở việc tắm lá người Dao đỏ, du khách cũng có thể theo chân người bản xứ lên rừng để “truy vết” các loài cây thuốc quý. Đó hứa hẹn là một trải nghiệm chứa đựng nhiều sự bất ngờ nhưng đòi hỏi bạn phải có sức khỏe tốt và thể lực bền bỉ để đi bộ trekking xuyên rừng, vượt núi. Ngoài ra, nhiều loài cây dược liệu thường chỉ mọc trên nền đất ẩm ướt vào mùa mưa nên sẽ khiến cho hành trình hái lá thuốc của bạn trở nên gian nan hơn.

Đường đi hái lá thuốc hiểm trở dần khi lên đến những dốc núi cao
Đường đi hái lá thuốc hiểm trở dần khi lên đến những dốc núi cao (Nguồn: Báo Dân trí)

Theo kinh nghiệm, du khách có thể đến những hộ dân người Dao đỏ kinh doanh dịch vụ tắm lá thuốc để được hướng dẫn lộ trình hái thuốc và cách phân biệt hơn 120 loại “thần dược”. Bạn tuyệt đối không vào rừng một mình vì đường đi khá nguy hiểm, phải vào rừng, lội suối cũng như khó xác định phương hướng di chuyển. Trong chuyến đi hái lá thuốc, bạn có thể trò chuyện cùng người đồng bào mến khách, tìm hiểu các phong tục – tập quán địa phương và lắng nghe tiếng chim kêu gọi bạn vui tai vang vọng khắp núi rừng.

Người dân rong ruổi trong rừng để lấp đầy chiếc gùi mây trên lưng
Để lấp đầy chiếc gùi mây trên lưng, bạn có thể mất cả buổi sáng rong ruổi trong rừng (Nguồn: Báo Dân trí)

Lưu ý khi trải nghiệm hái lá thuốc:

  • Nên mặc trang phục thoải mái, đi giày thể thao để thuận tiện di chuyển trong rừng.
  • Cân nhắc kỹ tình trạng sức khỏe và thể lực của bản thân để nhờ người hướng dẫn điều chỉnh lộ trình phù hợp.
  • Mang theo nước uống và đồ ăn nhẹ để bổ sung năng lượng cần thiết.
Nhiều du khách quan tâm về trải nghiệm hái lá thuốc cùng người dân bản Tả Phìn
Trải nghiệm hái lá thuốc cùng người dân bản Tả Phìn được nhiều người quan tâm

Mua các sản phẩm thổ cẩm làm quà

Ngay từ những bước chân đầu tiên vào bản Tả Phìn, du khách sẽ bắt gặp nhiều người phụ nữ dân tộc ngồi trước cửa nhà hay bên vệ đường đang miệt mài thêu từng đường kim mũi chỉ để làm nên tấm vải thổ cẩm nhiều màu sắc. Từ lâu, địa danh này đã nổi tiếng với làng nghề thổ cẩm truyền thống được giữ gìn và bảo tồn qua nhiều thế hệ. Qua bàn tay khéo léo và khối óc thẩm mỹ của nghệ nhân địa phương, những hoa văn cỏ cây, hoa lá, chim muông trên vải thổ cẩm được thể hiện một cách sống động và chân thật, truyền tải bản sắc văn hóa không trộn lẫn của bản làng.

Hàng thổ cẩm thủ công của bản Tả Phìn được bày bán tại chợ
Hàng thổ cẩm thủ công của bản Tả Phìn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài (Nguồn: BestPrice)

Sản phẩm thổ cẩm tại bản Tả Phìn rất đa dạng, phong phú từ chiếc khăn đầu, bộ quần áo hằng ngày đến túi xách, balo, vỏ gối, khăn choàng, ví tiền… Để mua các sản phẩm này về làm quà lưu niệm, du khách nên đến tận nhà dân trong bản và chứng kiến các công đoạn se lanh, lăn đá, dệt vải, nhuộm chàm, thêu thùa phức tạp làm nên tấm vải thổ cẩm. Bạn cũng có thể ghé thăm các khu chợ làng hoặc hỏi mua hàng thổ cẩm của những người phụ nữ dân tộc quẩy gánh hàng rong trên đường.

Người phụ nữ Dao đang tận tình hướng dẫn du khách nước ngoài cách thêu thổ cẩm
Người phụ nữ Dao đang tận tình hướng dẫn du khách nước ngoài cách thêu thổ cẩm (Nguồn: Du lịch Lào Cai)

Lưu ý khi mua các sản phẩm thổ cẩm làm quà:

  • Nên trả giá lịch sự để mua được các mặt hàng thổ cẩm với giá cả phải chăng.
  • Kiểm tra kỹ chất lượng sản phẩm qua độ bền, độ phai của màu sắc hay độ đồng đều của các hoa văn.
Du khách tỏ vẻ thích thú trước các mặt hàng thổ cẩm độc đáo của bản Tả Phìn
Du khách tỏ vẻ thích thú trước các mặt hàng thổ cẩm độc đáo của bản Tả Phìn

Thưởng thức các món ăn đặc trưng của đồng bào

Sẽ thật thiếu sót nếu ghé thăm bản Tả Phìn nhưng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm nền ẩm thực dân dã của người đồng bào Dao và H’Mông. Các món đặc sản tại đây chủ yếu được chế biến từ các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên kết hợp với những loại gia vị thảo mộc của rừng già, tạo nên hương vị thơm ngon khó cưỡng. Đó có thể là thịt lợn cắp nách với lớp vỏ bì giòn tan, gà bản xào lăn đậm đà, thịt chuột gác bếp dai dai đượm khói hay cá suối nướng chấm cùng chẩm chéo lạ miệng.

Cận cảnh món lợn cắp nách nướng than hoa thơm ngon
Lợn cắp nách nướng than hoa có lớp da vàng giòn hấp dẫn (Nguồn: thattinh.org)

Nếu muốn thưởng thức các món ăn đặc sản chuẩn vị, du khách có thể tìm kiếm những hàng quán địa phương không tên, tham khảo dịch vụ nhà hàng tại điểm lưu trú hoặc dừng chân dùng bữa trong những ngôi nhà dân đơn sơ. Nhâm nhi rượu ngô cay nồng và trò chuyện tâm tình cùng người bên xứ bên bếp lửa cháy rực chắc chắn sẽ để lại cho khách tham quan những dấu ấn khó phai về bản Tả Phìn.

Du khách thoải mái uống rượu và dùng bữa cùng gia đình người bản địa
Du khách thoải mái uống rượu và dùng bữa cùng gia đình người bản địa (Nguồn: @vicolachip)

Lưu ý khi thưởng thức các món đặc trưng của đồng bào:

  • Nên hỏi thăm điểm lưu trú về dịch vụ nhà hàng trong quá trình đặt phòng.
  • Nên chọn những quán ăn địa phương có không gian mở để nhìn ngắm phong cảnh núi rừng và những thửa ruộng bậc thang xung quanh.
  • Giữ hái độ hòa nhã, thân thiện khi dùng bữa tại nhà của người đồng bào.
Nét ẩm thực giản dị, mộc mạc của bản Tả Phìn qua lời kể của du khách
Nét ẩm thực giản dị, mộc mạc của bản Tả Phìn qua lời kể của du khách

Xem bói trăng

Bói trăng theo quan niệm của người Dao là một nghi thức xin lời chỉ dạy của Thần Mặt Trăng chỉ dẫn cho những hoạt động, sinh hoạt hàng ngày trong cộng đồng như đi xa, dựng vợ gả chồng, giải quyết xung đột… Để thực hiện nghi thức bói trăng, bạn cần hỏi người đồng bào để tìm đến nhà một già làng – người được coi là “sứ thần” của Thần Mặt Trăng. Sau đó người già làng sẽ sử dụng một cây gậy đặc biệt và một chiếc lồng tre được thiết kế riêng để xin ý kiến Thần. Bạn có thể tới đây để hỏi các câu hỏi về đường tình duyên, định hướng sự nghiệp, sức khỏe của các thành viên trong gia đình…

Nghi thức bói trăng tại nhà một già làng người Dao bản Tả Phìn
Nghi thức bói trăng tại nhà một già làng người Dao bản Tả Phìn (Nguồn: Phương Thảo Trần)

Lưu ý khi tham gia lễ bói trăng:

  • Các lời phán được đưa ra có độ tin cậy nhất định, bạn không nên quá tin tưởng hoặc quá coi nhẹ.
  • Nên hỏi các vấn đề trong tương lai gần và nêu rõ ràng thông tin về thời gian, địa điểm, đối tượng… muốn xin ý kiến.
  • Giữ thái độ nghiêm túc vì theo quan niệm của người Dao, cười đùa sẽ khiến Thần tức giận và phạt.
  • Nên đặt một chút tiền lễ cho người già làng.

5 điều nên tránh khi tới bản Tả Phìn

Để có trải nghiệm du lịch suôn sẻ tại bản Tả Phìn, du khách nên lưu ý một số vấn đề kiêng kỵ trong văn hóa của người đồng bào dân tộc.

5.1. Tránh huýt sáo

Khi dạo chơi ngắm cảnh trên đường làng, du khách không nên huýt sáo cho dù đó là một thói quen khá bình thường đối với người miền xuôi. Tuy nhiên, người dân bản Tả Phìn Sa Pa quan niệm rằng tiếng huýt sáo được dùng để gọi kêu ma gọi quỷ. Bạn cũng nên tránh các hành động cười đùa huyên náo quá lớn, gây ảnh hưởng đến không gian yên tĩnh của bản làng.

5.2. Hạn chế vừa nói vừa chỉ trỏ

Trong cuộc hội thoại với người đồng bào tại bản Tả Phìn Lào Cai, du khách thường dùng nhiều cử chỉ tay để biểu đạt ngôn ngữ cơ thể. Thế nhưng, bạn nên hạn chế chỉ trỏ trực tiếp với người đối diện vì hành động này biểu đạt thái độ khinh khi, coi thường trong văn hóa vùng cao.

Bạn nên hạn chế vừa nói vừa chỉ trỏ khi trò chuyện với người bản địa tại bản Tả Phìn
Chỉ trỏ là hành vi bất lịch sự đối với người bản địa tại bản Tả Phìn (Nguồn: Freepik)

5.3. Hạn chế ghé thăm bản vào những ngày kiêng kỵ

Vào ngày kiêng gió (20/01 Âm lịch) hoặc ngày kiêng sấm sét (01/03 Âm lịch), các hộ dân người Dao đỏ trong bản tạm gác đi công việc đồng áng, đóng cửa nhà không tiếp khách và cùng nhau sum họp quanh mâm cơm. Nếu đến tham quan bản trong hai ngày này, du khách sẽ nhận thấy đường sá có phần hiu quạnh và không được trải nghiệm nhiều hoạt động đặc trưng.

5.4. Không đi vào nhà dân có cắm lá cây trước cổng

Theo tập tục địa phương, gia đình nào trong bản đang nấu rượu hoặc có phụ nữ đang trong thời kỳ sinh nở phải cắm lá cây trước cổng nhà, không cho người lạ mặt ra vào vì sợ rượu bị chua và khê hoặc dọa trẻ sơ sinh khóc lớn. Nếu gặp những nhà dân treo lá cây trên đường, bạn nên đi qua khẽ khàng và không gõ cửa làm phiền gia chủ.

5.5. Không mặc trang phục vải lanh thuần trắng

Đối với người H’Mông tại bản Tả Phìn, sắc vải lanh trắng chưa qua nhuộm chàm chỉ được sử dụng trong lễ cúng ma chay. Do đó, du khách nên hạn chế mặc những bộ quần áo trắng làm từ chất liệu này. Nếu đã lỡ diện trang phục vải lanh thuần trắng, bạn có thể khoác thêm áo ngoài, choàng khăn thổ cẩm để che chắn lại.

Du khách nên hạn chế mặc những bộ quần áo trắng làm từ chất liệu lanh
Người H’Mông quan niệm sắc trắng vải lanh đại diện cho tang lễ (Nguồn: Pexels)

Với cảnh quan thiên nhiên vừa hoang sơ, vừa lãng mạn và đức tính phồn hậu, dịu dàng của người đồng bào miền sơn cước, bản Tả Phìn đã và đang trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách khi ghé lại Sa Pa. Đây là nơi bạn có thể tìm thấy những giá trị văn hóa lâu đời, tham gia nhiều trải nghiệm độc đáo và giải tỏa những mệt mỏi, muộn phiền của cuộc sống thành thị.

Rate this post
Rate this post
:

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Tin tức khác