Cầu kính Sa Pa – thu trọn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp nơi ven trời Tây Bắc, là địa điểm mà bất cứ ai cũng nên ghé thăm một lần trong đời. Mặc dù cầu kính thuộc địa phận tỉnh Lai Châu, nhưng với vị trí tiếp giáp khá gần thị trấn Sa Pa nên du khách đi du lịch Sa Pa, đặc biệt khi đi qua đèo Ô Quy Hồ vẫn thường ghé qua địa điểm này. Trong bài viết sau, Sun World sẽ cung cấp cho bạn mọi thông tin liên quan đến cầu kính Sa Pa, từ giá vé, cách di chuyển đến 6 trải nghiệm không thể bỏ lỡ.
5 thông tin tổng quan về cầu kính Sa Pa
Với những du khách mới biết đến cầu kính Sa Pa, sau đây là 5 thông tin thú vị về công trình này mà đáng để bạn lưu tâm:
Cầu kính Sa Pa ở đâu?
Cầu kính Sa Pa còn có tên gọi khác là cầu kính Rồng Mây, nằm trong khu du lịch Rồng Mây thuộc địa phận ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Sở dĩ khách đi du lịch Sa Pa thường ghé thăm địa điểm này vì cầu kính toạ lạc rất gần trung tâm thị trấn Sa Pa (cách khoảng 18km).
Ngoài ra, cầu kính Sa Pa nằm cách đỉnh đèo Ô Quy Hồ chỉ khoảng 3km nên còn được du khách gọi là Cổng trời trên đỉnh Ô Quy Hồ. Các phượt thủ chính hiệu sau khi chinh phục một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc thường ghé qua cầu kính ở Sa Pa check-in như một hình thức “ghi danh” tại Cổng trời.
Cầu kính ở Sa Pa xây dựng năm nào?
Cầu kính Sa Pa được bắt đầu xây dựng từ năm 2017 và chính thức khánh thành sau 2 năm khởi công (ngày 16/11/2019). Công trình nằm trong dự án tổng thể của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Liên Sơn với số vốn đầu tư xây dựng lên đến 1.000 tỷ đồng.
Cầu kính Sa Pa cao bao nhiêu mét? Dài bao nhiêu mét?
Là cây cầu kính thứ hai ở Việt Nam (sau cầu kính Tình Yêu ở Sơn La) và cũng là cầu kính cao nhất Việt Nam, cầu kính Sa Pa có độ cao 1.000m so với độ cao vách núi. Trong đó, điểm cao nhất của cầu kính cách 2.200m so với mặt nước biển.
Cầu có tổng chiều dài 300m, được làm hoàn toàn bằng kính trong suốt. Sàn kính được ghép từ 3 lớp kính, mỗi lớp dày 1.2 cm và ép bởi 4 lớp phim chống đạn với tổng độ dày là 4.2 cm, có thể chịu được tải trọng hơn 3.000 người cùng lúc. Nếu tính từ buồng thang máy đến vách núi đá sa thạch thuộc dãy Hoàng Liên Sơn thì chiều dài của cầu là 60m, chiều rộng lối đi khoảng 5m. Phần chiều dài 60m này nhô ra so với vách núi, tạo cảm giác “lửng lơ trên vực sâu” rất kích thích du khách khi dừng chân trên cầu kính Sa Pa.
Thiết kế độc đáo của cầu kính Sa Pa
Công trình cầu kính Sa Pa bao gồm lối đi nối từ chân núi đến đỉnh núi, hệ thống thang máy lồng kính và cầu kính vươn ra khỏi vách núi. Mỗi khu vực đều được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn cho du khách tham quan cầu kính.
Xuất phát từ chân núi, du khách sẽ có khoảng 10 phút đi thang máy lồng kính, chiêm ngưỡng từng “tầng thiên nhiên” kỳ vĩ trước khi lên đến đỉnh núi. Bước chân lên cầu kính, bạn có thể phóng tầm mắt ra khoảng trời cao rộng trước mặt với lớp lớp đồi núi trập trùng, đường đèo uốn lượn ẩn hiện trong sương. Vào những ngày hè nắng đẹp, du khách có thể nhìn thấy xa xa là những mái nhà đơn sơ, nhấp nhô giữa thửa ruộng bậc thang màu mỡ.
>>> Đến với SaPa, bạn không thể bỏ lỡ chợ đêm Sapa và những trải nghiệm thú vị tại đây.
Giờ hoạt động & giá vé trải nghiệm cầu kính Sa Pa
Cầu kính Sa Pa mở cửa từ 7h30 sáng và đóng cửa vào 18h00 hàng ngày. Giá vé thang máy lên cầu kính Sa Pa dao động từ 100.000 VNĐ – 500.000 VNĐ tùy theo đối tượng và số chiều lên/xuống của du khách. Dưới đây là bảng giá vé cầu kính Sa Pa mà du khách có thể tham khảo:
Loại vé |
Giá vé |
|
Người lớn (từ 1m4 trở lên) | Trẻ em (1m – 1m4) (*) | |
Giá vé thang máy lồng kính chiều lên hoặc xuống | 200.000 VNĐ/chiều | 100.000 VNĐ/chiều |
Giá vé thang máy lồng kính 2 chiều | 500.000 VNĐ/ 2 chiều | 300.000 VNĐ/ 2 chiều |
(*) Trẻ em dưới 1m được miễn phí thang máy cầu kính.
Ngoài dịch vụ thang máy cầu kính, du khách cũng có thể thăng hoa với nhiều trò chơi cảm giác mạnh hấp dẫn tại cầu kính Sa Pa. Bảng giá tham khảo cho một số trò chơi như sau:
Giá vé những trò chơi cảm giác mạnh |
Giá vé (VNĐ/lượt) |
Nhảy Bungee |
1.000.000 VNĐ |
Trượt Zipline |
150.000 VNĐ |
Cầu độc mộc |
150.000 VNĐ |
Dù lượn |
900.000 VNĐ |
Xích đu tử thần | 150.000 VNĐ |
Xe đạp trên dây | 150.000 VNĐ |
Cầu xuyên mây | 150.000 VNĐ |
Double Bungalow | 1.600.000 VNĐ |
Family Bungalow | 2.200.000 VNĐ |
Lưu ý:
- Giá vé có thể thay đổi theo thời điểm du lịch.
- Trẻ em không nên tham gia các trò chơi mạo hiểm trên.
Hướng dẫn đường đi và phương tiện tới cầu kính Sa Pa
Để giúp du khách có thể nhanh chóng chiêm ngưỡng tiên cảnh tại cầu kính Sa Pa, Sun World sẽ hướng dẫn bạn trục đường di chuyển chính và phương tiện phù hợp với từng nhóm du khách. Mời bạn cùng tham khảo:
2.1. Trục đường chính đến cầu kính Sa Pa
Trục đường chính dẫn từ trung tâm thị trấn Sa Pa đến cầu kính Sa Pa là qua đường Quốc lộ 4D. Du khách xuất phát từ trung tâm thị trấn, đi về hướng Tây Nam lên Xuân Viên, rẽ phải tại Nhà Hàng Liên Tôn rồi đi tiếp khoảng 250m trước khi rẽ phải tại VikingTrip Tây Bắc – Trekking & Outdoor Activities để vào đường Thác Bạc. Tiếp tục đi thẳng 600m rồi bạn rẽ phải sau Maison de Sapa Homestay & Cafe.
Du khách đi tiếp theo đường Thác Bạc, đến chỗ giao với đường Điện Biên Phủ/QL4D thì rẽ trái tại Thịt Trâu sấy Tâm Uyên. Từ đây, du khách đi thẳng theo QL4D hơn 16km, đi qua Nam Phương Cửa Hàng Vật Tư Thiết Bị Phụ Kiện (ở phía bên trái) là đến nơi (khu du lịch cầu kính Rồng Mây nằm ở phía bên phải). Trên đường QL4D, du khách có thể tiện đường tham quan nhiều địa điểm hấp dẫn như đồi chè Ô Quý Hồ, vườn cây ăn quả Tiến Đạt, Thác Bạc, cây cô đơn Sa Pa, thác tình yêu…
2.2. Phương tiện di chuyển đến cầu kính Sa Pa
Nếu xuất phát từ trung tâm thị trấn Sa Pa, có ba phương tiện di chuyển phổ biến để du khách lựa chọn, bao gồm:
- Xe máy: Đây là lựa chọn yêu thích của các cặp đôi và nhóm bạn bởi tính linh hoạt và tiết kiệm chi phí nhất. Bạn có thể dễ dàng dừng chân tại các địa danh trên đường đến cầu kính hoặc khám phá thêm những thắng cảnh lân cận. Tổng chi phí thuê xe và đổ xăng rơi vào khoảng 80.000 – 100.000 VNĐ/người.
- Xe ô tô: Phương tiện này thích hợp cho các gia đình hoặc nhóm bạn đông người, không tự tin về việc “đổ đèo” bằng xe máy. Mặc dù chi phí xăng xe ô tô cao hơn xe máy nhưng bù lại, du khách có thể thoải mái đi du lịch mà không cần bận tâm quá nhiều về điều kiện thời tiết.
- Taxi: Với những du khách không muốn tự lái xe, bạn có thể đặt taxi qua các hotline của các hãng taxi địa phương như Mai Linh (02143 76 76 76), Xanh Sapa (0214 3636 363), taxi Fansipan (0203 62 62 62)… Chi phí dao động từ 12.500 – 22.000 VNĐ/km. Hình thức di chuyển này thường tốn kém hơn lái xe cá nhân nhưng sẽ đảm bảo bạn có một chuyến đi an toàn nhất.
Cầu kính Sa Pa có gì thú vị? 6 trải nghiệm nhất định phải thử
Đến cầu kính Sa Pa, bạn không chỉ có cơ hội ngắm nhìn toàn cảnh núi non hùng vĩ từ trên cao mà còn được tham gia vào nhiều trò chơi thú vị khác. Sau đây là 6 trải nghiệm du khách không thể bỏ qua khi đặt chân đến cầu kính Sa Pa:
Đi bộ trên cầu kính
Chỉ cần mua vé đi thang máy lên trên đỉnh núi là du khách đã có thể thong thả dạo bước “trên mây” và thỏa sức ngắm nhìn khung cảnh núi rừng đại ngàn nguyên sơ từ chiếc cầu kính cao hơn 2000m. Hoạt động này chắc chắn sẽ mang lại cho bạn cảm giác hồi hộp và đầy phấn khích khi bước đi trên mặt kính trong suốt, nhìn xuống phía dưới là đường đèo quanh co cùng những cánh rừng xanh thẳm, sâu hun hút. Nếu đi vào ngày trời nhiều mây, bạn còn có thể nhìn thấy những lớp mây lơ lửng ngay dưới chân mình.
Lưu ý:
- Du khách nên mang thêm kính râm, mũ, nón để bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời trên cao.
- Nếu du khách sợ độ cao, nên nhìn thẳng ra khung cảnh trước mặt, hạn chế nhìn xuống phía dưới.
Chụp ảnh – Check in cùng bạn bè/người thân
Cầu kính Sa Pa là địa điểm lý tưởng để du khách chụp ảnh, ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ cùng bạn bè hoặc người thân. Với những góc chụp độc đáo từ trên cao, không gian xanh mướt làm nền phía dưới, bạn sẽ có ngay những bức ảnh cực ấn tượng và hút mắt.
Một mẹo nhỏ khi chụp là du khách nên tận dụng ánh sáng tự nhiên vào buổi trưa và chiều để bức ảnh trông rực rỡ nhất. Bạn có thể tạo dáng dựa vào lan can, lấy mây trời phía sau làm nền hoặc nằm giữa cầu kính và chụp từ trên xuống để thấy toàn bộ khung cảnh hùng vĩ phía dưới. Nếu may mắn đi vào ngày trời nhiều mây, một bức ảnh với “biển mây” sẽ biến bạn trở thành nàng tiên trên cổng trời Ô Quy Hồ.
Lưu ý:
- Du khách nên đi vào buổi chiều (khoảng 14h – 16h) vì lúc này sương mù đã tan, ảnh check-in sẽ đẹp hơn.
- Cầu kính Sa Pa nằm ở độ cao hơn 2000m nên sẽ lạnh quanh năm. Vì vậy, bạn cần mặc trang phục có khả năng giữ ấm tốt khi check-in ở địa điểm này.
- Các bạn nữ nên buộc, búi tóc hoặc tết tóc gọn gàng vì gió trên cầu kính rất mạnh, có thể làm rối tóc khi bạn chụp ảnh.
- Nếu muốn “bắt” được khoảnh khắc làn mây trắng tinh khôi bao quanh cầu kính Sa Pa, hãy để một chiếc máy ảnh làm trợ thủ của bạn khi check-in.
Nhảy Bungee
Đối với những du khách muốn tìm kiếm cảm giác hồi hộp và mạo hiểm, nhảy Bungee chính là lựa chọn lý tưởng cho bạn. Từ độ cao hơn 300m của cầu kính Sa Pa, du khách sẽ được đeo các thiết bị bảo hộ và trải nghiệm cảm giác thả rơi tự do giữa khoảng không ngút ngàn của núi rừng Tây Bắc.
Chỉ vài giây nhảy bungee ngắn ngủi cũng đủ để kích thích mọi giác quan của du khách và mang lại cảm xúc phấn khích khó quên. Hiện chi phí cho hoạt động này là 1.000.000 VNĐ/lượt nhảy – tuy khá cao nhưng chắc chắn sẽ xứng đáng để trải nghiệm.
Lưu ý:
- Tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các quy định an toàn và hướng dẫn của nhân viên trước khi tham gia nhảy bungee.
- Những người sợ độ cao, có tiền sử bệnh về tim hoặc vừa ăn quá no không nên tham gia hoạt động này.
Trượt Zipline
Nếu bạn cảm thấy nhảy bungee quá mạo hiểm, hãy thử sức với trò trượt Zipline – trò chơi tiết kiệm và nhẹ nhàng hơn. Với giá vé chỉ 150.000 VNĐ/lượt, du khách sẽ được trang bị dây an toàn, đồ bảo hộ và bắt đầu trượt từ đầu dây cáp trên đỉnh cầu xuống điểm phía dưới.
Trò chơi này mang lại cho du khách cảm giác như đang bay trên không với tốc độ cao. Cảm nhận từng cơn gió lướt qua mặt, phóng mắt xuống những tán cây xanh mướt phía dưới hay xa xa là khoảng trời bất tận sẽ giúp bạn quên hết những mệt mỏi, muộn phiền trong lòng.
Chơi dù lượn
Một trò chơi cầu kính Sa Pa thú vị khác dành cho những ai yêu thích cảm giác tự do, phiêu lưu giữa bầu trời là dù lượn. Trò chơi này có phần an toàn hơn nhảy bungee và trượt zipline vì mỗi du khách sẽ được bay cùng các phi công dày dặn kinh nghiệm. Giá vé cho hoạt động này là 900.000 VNĐ/lượt, thời gian mỗi lần bay là khoảng 10 – 15 phút.
Chơi dù lượn mang lại cho du khách cảm giác tự do như những chú chim trên bầu trời, thong thả ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên bao la và tráng lệ. Trong 15 phút bay lượn, bạn sẽ có cơ hội thu vào tầm mắt toàn bộ cung đường đèo Ô Quy Hồ kiêu hãnh bên dưới, những cánh rừng xanh ngát, những thửa ruộng bậc thang nối dài tít tắt hay bản làng thấp thoáng giữa núi rừng đại ngàn.
Lưu ý:
- Để tham gia hoạt động này, du khách cần tránh đi cầu kính Sa Pa vào những ngày thời tiết xấu như mưa hoặc gió mạnh.
- Nếu muốn ghi lại những khoảnh khắc “bay lượn” đáng nhớ của bản thân, hãy mang theo một chiếc gậy chụp ảnh.
Ngắm nhìn khung cảnh đất trời hùng vĩ từ độ cao 2.200m
Tận hưởng khung cảnh đẹp như tranh vẽ trên cầu kính Sa Pa là trải nghiệm miễn phí nhưng vô cùng tuyệt vời. Tầm nhìn ngoạn mục từ trên cây cầu cao chót vót cho phép du khách chiêm ngưỡng toàn cảnh núi non xanh ngát, những thung lũng trù phú và con đường quốc lộ 4D ngoằn ngoèo, gấp khúc phía dưới chân núi. Đứng trước một “kiệt tác” của thiên nhiên, bạn cũng sẽ cảm thấy tâm trí nhẹ nhàng và thư giãn hơn.
Lưu ý: Nên xem dự báo thời tiết trước khi lên lịch trình đi cầu kính, ưu tiên chọn những ngày nắng đẹp.
5 kinh nghiệm cần biết khi đi cầu kính Sa Pa
Dưới đây là tổng hợp 5 lưu ý nhỏ cho du khách khi tham quan và trải nghiệm tại cầu kính Sa Pa:
Lựa chọn trang phục thoải mái, không nên mặc váy
Dành cho những bạn đang lo lắng không biết đi cầu kính Sa Pa mặc gì cho phù hợp, hãy ưu tiên các loại trang phục thoải mái, dễ vận động và di chuyển để có thể tận hưởng các trò chơi mạo hiểm tại đây. Ngoài ra, vì cầu kính Sa Pa nằm ở độ cao hơn 2000m so với mực nước biển, nhiệt độ giảm thấp quanh năm nên du khách cũng cần chú ý chọn trang phục giữ ấm tốt để tránh bị cảm lạnh.
Tham khảo trước review về các trò chơi cảm giác mạnh
Trước khi tham gia các trò chơi như nhảy bungee, trượt zipline, nhảy dù… hãy xem kỹ phản hồi và video quay lại (nếu có) từ những người đã trải nghiệm trước đó. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về trò chơi, từ đó đánh giá được mức độ an toàn và phù hợp với bản thân.
Không đùa nghịch – chạy nhảy trên cầu kính
Mặc dù cầu kính Sa Pa được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, rất kiên cố và đảm bảo an toàn nhưng du khách vẫn không nô đùa trên cầu kính. Bởi khi đùa nghịch hoặc chạy nhảy trên cầu, bạn có thể vô tình va vào những du khách khách, gây nguy hiểm cho những người xung quanh và chính bản thân bạn.
Cân nhắc buộc gọn tóc trước khi lên cầu
Trên cầu kính thường đón những cơn gió rất mạnh, khiến tóc bạn dễ bị rối, xù, cản trở tầm nhìn khi ngắm cảnh và khiến việc check-in, trải nghiệm các trò chơi gặp khó khăn. Vì vậy, các bạn nữ trước khi lên cầu kính nên buộc gọn tóc để tránh bị cản trở tầm nhìn và có thể tập trung hơn vào các trải nghiệm ở cầu kính Sa Pa.
Cân nhắc tình trạng sức khỏe trước khi tham quan cầu kính
Nếu bạn có tiền sử bệnh về tim mạch, huyết áp cao, sợ độ cao… hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định tham quan cầu kính Sa Pa. Chỉ nên đến địa điểm này khi bạn đảm bảo bản thân đang trong tình trạng sức khỏe tốt, có người đi cùng và tuân thủ khuyến cáo của nhân viên để đảm bảo an toàn, tránh gặp phải các vấn đề sức khỏe không mong muốn.
Đến với cầu kính Sa Pa, du khách sẽ được đắm chìm trong vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ của những dãy núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh đó là những trò chơi mạo hiểm đầy kích thích. Hy vọng những thông tin trong bài sẽ giúp ích cho bạn trong việc lên kế hoạch đi du lịch cầu kính trong một ngày gần nhất!
Leave a Reply