Với quần thể núi non hùng vĩ, quanh năm sương phủ, Sa Pa được ví von là “nơi hội tụ giữa trời và đất”. Bên cạnh thời tiết độc đáo, các điểm đến của Sa Pa cũng khiến nhiều khách du lịch trầm trồ trước cảnh sắc nên thơ và kiến trúc đầy cuốn hút. Nếu bạn đam mê khám phá, yêu thích khung cảnh ma mị và muốn tìm hiểu thêm về tín ngưỡng tôn giáo, văn hoá thì đừng bỏ lỡ điểm đến mang tên tu viện cổ Tả Phìn nhé!
|
Tu viện cổ Tả Phìn ở đâu?
Tu viện cổ Tả Phìn cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 12km về phía Đông Bắc, bạn đi men theo tuyến đường quốc lộ 4D khoảng 5km, rẽ trái tại điểm giao Cầu 32, sau đó tiếp tục đi thêm khoảng 7km nữa. Đường đến Tả Phìn quanh co theo triền núi, cung đường đèo dốc, có phần gồ ghề, đường nhìn chung rộng, đủ cho xe máy và ô tô 4 – 7 chỗ đi nhưng cũng có một số khúc hẹp, xe cộ phải nép sát vào vách núi để tránh nhau.
Nằm ẩn mình trong bản làng người Dao đỏ, tu viện cổ Sa Pa vừa mang đến cảm giác bình yên, vừa ma mị với những bức tường đá rêu phong và tàn tích của kiến trúc pháp xưa cũ. Ngoài ra trên chuyến chinh phục tu viện, du khách có thể xếp lịch trình tham quan rất nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như Sun World Fansipan Legend, tham quan vườn hoa hồng cổ, vườn dâu chín mọng hay trải nghiệm tắm thuốc lá tại nhà người đồng bào… để cảm nhận rõ không khí Tây Bắc.
>>> Hãy cùng ghé vườn dâu Sapa và trải nghiệm hái dâu thú vị!
Tìm hiểu chiều dài lịch sử tu Viện Tả Phìn
Tu viện cổ Tả Phìn hiện tại chỉ còn là tàn tích của một công trình mang dấu ấn thời gian mang vẻ đẹp đầy ma mị. Tuy nhiên nơi đây đã từng chứng kiến thời kỳ thịnh vượng của Hội Thánh Kitô giáo xưa. Mời du khách cùng ngược dòng thời gian để tìm hiểu về chiều dài lịch sử qua từng mốc thời gian sự kiện của kỳ quan Kitô giáo “ngủ quên” giữa núi rừng.
Thời điểm | Sự kiện/Hoạt động |
Năm 1942 | 12 nữ tu thuộc dòng Nữ tu Hội Thánh Kitô bị trục xuất ra khỏi Nhật Bản. Trong số đó có 8 người xin được lưu lại khu vực châu Á để tiếp tục được truyền đạo. |
Tháng 2 – Năm 1942 | Đại sứ Pháp tại Nhật Bản viết thư gửi Cha Tổng giám mục giáo phận Hưng Hóa (tức là tỉnh Lào Cai ngày nay) xin cho họ đến đây để sinh sống và tiếp tục truyền đạo. |
Tháng 6 – Năm 1942 | Sau khi các nữ tu đến Sa Pa Lào Cai, quan Pháp tỉnh trưởng lúc bây giờ đã cấp cho họ gia súc, gia cầm và nông cụ để canh tác.
Kể từ đó, ngoài tích cực truyền đạo, các nữ tu khổ hạnh còn tích cực tham gia nghiên cứu kỹ thuật canh tác, tập trung trồng cây ăn quả, cây lương thực, phát triển kinh tế hiệu quả. Tu viện này cũng được xây dựng tại bản Tả Phìn kể từ đó. |
Năm 1945 | Do những bất ổn về chính trị, đoàn nữ tu di chuyển về Hà Nội, bỏ lại tu viện cổ hoang tàn. Cùng với sự tàn phá của chiến tranh và thời gian, cho đến nay tu viện cổ Tả Phìn chỉ còn là phế tích. |
Hiện nay | Tu viện Tả Phìn là điểm check-in được nhiều du khách ghé tham quan, chụp ảnh. |
Hướng dẫn di chuyển từ thị trấn Sa Pa đến tu viện cổ Tả Phìn
Từ thị trấn Sa Pa, du khách có thể di chuyển đến tu viện cổ Tả Phìn bằng nhiều phương tiện khác nhau. Bạn nên tham khảo kỹ thông tin để chọn phương tiện phù hợp nhất với nhu cầu:
1 – Xe máy
Bạn có thể thuê xe máy tại các điểm cho thuê dọc thị trấn hoặc liên hệ với khách sạn với chi phí khoảng 100.000 – 130.000 đồng/ ngày. Phương tiện này là lựa chọn yêu thích của các bạn trẻ, với khoảng cách không quá xa, đường tuy uốn lượn dọc triền núi nhưng rộng thoáng nên dễ di chuyển và tiết kiệm chi phí hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức di chuyển này là không mang được nhiều đồ, nếu vào ngày mưa nhiều, đường trơn sẽ không an toàn.
Lưu ý bạn kiểm tra bình xăng và đổ lượng xăng vừa đủ cho lịch trình trong ngày vì các đơn vị chỉ cho thuê xe, xăng hoàn toàn tự túc. Thông thường xe chỉ còn dư một ít xăng đủ để di chuyển loanh quanh thị trấn hoặc đến cây xăng gần nhất.
2 – Ô tô cá nhân
Nếu gia đình bạn lựa chọn hình thức du lịch Sa Pa bằng ô tô tự lái thì hoàn toàn có thể sử dụng phương tiện này trên cung đường ghé thăm tu viện cổ Tả Phìn để chủ động lịch trình hơn, có thể mang theo nhiều hành lý, trang phục để checkin. Quãng đường từ trung tâm thị trấn đến tu viện cổ không quá xa nên chi phí xăng xe không đáng kể (khoảng 50.000 – 100.000 đồng).
Tuy nhiên vào những ngày thời tiết xấu, sương mù dày, do có những đoạn đoạn đường dốc, cua hẹp, cần nép sát xe vào sườn núi để tránh nhau nên tài xế cần có kỹ thuật lái xe tốt và kinh nghiệm đi đường đèo. Ngoài ra, nếu bạn đi vào mùa cao điểm đôi khi có thể bị ùn tắc giao thông, mất thời gian chờ đợi.
Lưu ý cần kiểm tra bình xăng và đổ đầy bình để đảm bảo cho lịch trình trong ngày vì ra khỏi trung tâm sẽ không có nhiều điểm bán xăng, dầu.
3 – Taxi
Xuất phát từ trung tâm thị trấn Sa Pa, bạn có thể chọn taxi, lưu lượng xe lớn và điểm đón linh hoạt, rất thuận tiện, với mức giá dao động 150.000 – 250.000 VNĐ/chiều tuỳ điểm đón và khung giờ. Một số hãng taxi uy tín bạn có thể tham khảo như Mai Linh Lào Cai, Taxi Fansipan, Hữu Nghị, Taxi 24…
Lưu ý chiều từ tu viện cổ Tả Phìn về lại trung tâm có thể khó bắt taxi hơn hoặc phải chờ đợi hãng điều xe. Vì thế để đảm bảo lịch trình và đúng giờ, bạn có thể xin số liên hệ của tài xế hoặc hẹn giờ từ trước.
>>> Khám phá ngay Ý Linh Hồ – ngôi làng thanh bình giữa núi rừng! Tìm hiểu thêm để không bỏ lỡ những trải nghiệm tuyệt vời!
Trang phục nên mặc khi ghé thăm tu viện cổ Tả Phìn
Bạn nên chọn những bộ trang phục dân tộc Tây Bắc của người Dao đỏ hoặc người Mông, Tày, Giáy… Ngoài ra, bạn cũng có thể chuẩn bị trang phục phong cách du mục Bohemian hoặc Vintage với tông màu cam, nâu, xám, xanh, đỏ hoặc hoạ tiết boho để có ngay bức ảnh check-in triệu view trên mạng xã hội.
Trang phục các dân tộc Tây Bắc
Tu viện cổ nằm ẩn mình trong bản làng Tả Phìn Sa Pa, giữa khoảng đất rộng với gốc đào gốc lê cổ thụ xưa, quanh năm mây mờ, sương phủ bao quanh. Với khung cảnh đặc trưng của vùng núi, chắc chắn không gì hợp hơn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Tây Bắc.
Đặc trưng của nhóm trang phục này là tông màu thuần tự nhiên, không mờ nhạt mà thường sặc sỡ theo cách riêng. Thông thường nền vải là màu chàm (nhuộm từ nước đun của cây chàm), họa tiết thổ cẩm được dệt thủ công tỉ mỉ.
Cách phối màu và kiểu dáng truyền thống của trang phục dân tộc Tây Bắc sẽ giúp bạn “hòa hợp” với khung cảnh tu viện cổ Tả Phìn giữa núi rừng. Chẳng hạn, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc H’Mông bao gồm váy “ta” có hình nón cụt, xếp nếp và xòe rộng kết hợp cùng áo, yếm và xà cạp (dùng để quấn quanh bắp chân).
Trang phục của đồng bào người Dao đỏ thường là áo và quần, tông màu chủ đạo là chàm đen kết hợp cùng phụ kiện là khăn vấn đầu (thường là màu đỏ), thắt lưng và các đồ trang sức bạc.
Trang phục phong cách du mục Bohemian
Tu viện cổ Sa Pa với cảnh sắc huyền bí, có phần ma mị, cảnh sắc thiên về màu tông trầm như màu đỏ cam của rêu cũ ngói cũ, màu nâu ấm của gốc cây cổ thụ… Trong khi Bohemian mang hơi thở phóng khoáng, tự do tựa như những người dân du mục, ngao du với đất trời. Với phong cách này, bạn hoàn toàn có thể lên ý tưởng cho những trang phục chuẩn “soái ca” hay “nữ thần”.
Nếu là các cô gái, hãy ưu tiên những thiết kế váy dài thướt tha, tông màu cam, đỏ hoặc đỏ nâu thời thượng. Để tạo điểm nhấn cho bức ảnh check-in triệu “like” tại tu viện cổ Tả Phìn, các cô nàng đừng quên phối cùng hoa tai, vòng tay charm bạc nổi bật.
Đối với các chàng trai muốn hoá thân vào hình ảnh du mục lãng tử có thể phối ngay trang phục chuẩn Bohemian với quần jean, sơ mi hobo (hoạ tiết) kết hợp cùng đôi boots, mũ da lộn nâu phong cách.
Trang phục phong cách vintage
Phong cách Vintage là khái niệm thời trang mang hơi thở xưa cũ, mộc mạc nhưng thu hút theo một cách riêng, rất hợp với không gian cổ kính, rêu phong tại tu viện cổ Tả Phìn. Bạn chỉ cần phối trang phục đơn giản với tông nâu, vàng sậm, xanh lam, xanh rêu… dù đứng ở bất kỳ góc nào trong tu viện cũng sẽ có những bức ảnh có “hồn” mang tính nghệ thuật.
Nếu cô nàng yêu thích phong cách đồng quê nhưng vẫn đậm chất thời trang thì chắc chắn việc phối quần jean dài ống loe cùng sơ mi tông màu nâu đất, tay phồng cổ điển sẽ giúp bạn cực thu hút giữa bối cảnh tu viện xưa cũ. Ngoài ra các thiết kế váy midi hoạ tiết basic, tông màu vàng, cam đất… sẽ giúp bạn trông dịu dàng, duyên dáng hơn.
Với các chàng trai, một công thức phối đồ đơn giản chuẩn Vintage là áo cardigan (tông nâu, xám) đi cùng với áo sơ mi và quần Âu.
4 góc check-in độc đáo tại tu viện cổ Tả Phìn
Khi ghé thăm tu viện cổ Tả Phìn, du khách đừng bỏ qua 4 góc check-in độc đáo như khung vòm cửa kiểu Pháp, lối đi phủ đầy cỏ xanh hay bức tường rêu phong. Những góc chụp này sẽ chụp ảnh đẹp hơn nếu du khách đến tu viện vào sáng sớm hoặc chiều tà để có cảnh bình minh, hoàng hôn lãng mạn.
Khung cửa vòm
Tu viện có kiến trúc được xây dựng theo phong cách Pháp cổ, thường chú trọng đến tỷ lệ cột (cao và lớn), có nhiều cửa sổ cửa chính, ô cửa mái vòm dọc hai bên hành lang.
Trải qua thăng trầm của thời gian, tu viện cổ đã trở thành tàn tích lâu năm, cạnh góc của khung vòm đã có dấu hiệu bị mài mòn, vôi hoá, có chỗ rạn, nứt hoặc vỡ góc. Chính điều này đã tạo nên nét độc đáo rất riêng và tất nhiên khung cửa vòm trở thành điểm check-in không thể bỏ lỡ nếu ghé qua tu viện cổ ở Sa Pa.
Những lối đi phủ đầy cỏ xanh
Nếu đã đến tu viện cổ Tả Phìn, du khách đừng quên check in tại lối đi phủ đầy cỏ xanh vừa hoang sơ lại sinh động với sức sống bền bỉ của cỏ non xanh biếc đang đang vươn mình trong gió.
Tu viện cổ đã bị bỏ hoang nhiều năm nên cây cối thi nhau vươn lên khắp khung cửa, bờ tường. Đường đi dẫn vào khu nhà chính của tủ viện đã mọc đầy cỏ dại, cỏ mọc lan trên nền đất phủ xanh cả một khoảng. Bạn chỉ cần căn máy ảnh hoặc camera điện thoại ở góc rộng, từ lối đi vào để thu trọn cả thảm cỏ xanh mướt và khung cảnh tòa tu viện cổ phía xa xa.
Những bức tường phủ rêu phong
Tu viện được xây dựng với dãy nhà ngang, phía bên trong có ba tầng và một tầng hầm, rất rộng và cao ráo. Những bức tường từ ngoài vào trong dù đã lưu lại những vết tích của thời gian, có những thứ đổ nát, có những thứ dang dở nhưng những vẫn đứng sừng sững với thời gian.
Toàn bộ công trình tu viện cổ Tả Phìn được xây dựng bằng đá ong liên kết với vữa xi măng nên theo thời gian lớp rêu phong đã ngả màu cam nâu, vừa trầm lắng lại ma mị, góp phần tạo nên tính nghệ thuật cho những bức ảnh được du khách “săn lùng”. Bạn chỉ cần chọn bất kỳ góc nào, nếu tường cao nên tạo dáng đứng và chụp góc rộng để thấy toàn khung cảnh.
Cây đào mốc vươn mình trong gió
Với nhiều gốc đào rừng đào đá xưa đã ngả mốc trắng trải rộng khắp lối vào tu viện tạo hiệu ứng chiều sâu, sống động và nghệ thuật cho mỗi bức ảnh. Nếu có 10 du khách ghé thăm tu viện Tả Phìn, chắc chắn cả 10 du khách đều lưu giữ ít nhất 1 bức ảnh cùng gốc đào lớn đang vươn mình trong gió.
7 lưu ý khi ghé thăm tu viện cổ Tả Phìn
Để có một chuyến ghé thăm thú vị và không bỏ lỡ những khoảnh khắc đẹp với tu viện cổ Tả Phìn, du khách cần lưu ý một số thông tin sau:
6.1. Nên nhờ đồng bào người Dao hướng dẫn đường vào tu viện
Mặc dù không nằm quá xa trung tâm thị trấn Sa Pa nhưng tu viện cổ cũng là nơi hoang vu hẻo lánh, ít người qua lại. Du khách có thể nhờ người đồng bào Dao đỏ sinh sống ở bản chỉ đường để tránh bị lạc, đi nhầm đường hoặc bỏ lỡ những điểm check-in độc đáo tại tu viện cổ.
6.2. Tránh mặc trang phục màu trắng
Tu viện Tả Phìn đã bỏ hoang nhiều năm, lối đi chủ yếu là đường đất, tường ngói cũ đã phủ bụi và nhiều rêu nên rất dễ lấm bẩn vào quần áo màu trắng, trang phục trắng cũng là màu sắc kiêng kị của người Dao. Chính vì thế, du khách không nên mặc đồ màu trắng hay sáng màu, ưu tiên tông màu cam, đỏ, nâu đất… vừa thời trang, hợp tông màu ảnh nghệ thuật lại không lộ vết bẩn trên trang phục.
6.3. Bôi thuốc chống côn trùng
Tu viện cổ Tả Phìn có rất nhiều cây cối, nhiều ngóc ngách, là nơi “trú ngụ” yêu thích của các loại côn trùng. Theo đó, bạn nên chuẩn bị sẵn các loại thuốc chống côn trùng, chống muỗi, kiến, … dạng xịt hoặc kem để mang đến sự thuận tiện và nhanh chóng.
6.4. Chuẩn bị giày thấp hoặc giày thể thao
Để thuận tiện trong việc di chuyển và chụp ảnh tại tu viện cổ, bạn nên ưu tiên chọn giày thấp hoặc giày thể thao vừa vặn, chắc chân và dễ dàng di chuyển.
6.5. Tránh trèo lên các bức tường mục vỡ
Bờ tường cũ, gạch đã ngấm ẩm lâu năm, có chỗ rạn nứt mục vỡ do tu viện chỉ còn là tàn tích sau nhiều năm. Chính vì thế, du khách không nên leo trèo lên các bức tường cũ để đảm bảo an toàn.
6.6. Nên đi đông người
Tu viện cổ ở Sa Pa được xây dựng từ năm 1942, hiện tại bị bỏ hoang nên không còn người trong nom hay sinh hoạt tôn giáo. Nếu đến để khám phá, check-in thì bạn nên đi theo nhóm đông từ 3 người trở lên phòng trường hợp có rủi ro hay trường hợp nguy hiểm có thể hỗ trợ lẫn nhau.
6.7. Người dân tộc chèo kéo mua đồ
Có thể bạn sẽ bắt gặp các chị, các cô người Dao đững sẵn đợi khách du lịch và mời mua đồ, có khi đi theo từ lúc đến tới lúc về. Khi gặp trường hợp, hay cư xử lịch sự, giữ thái độ bình tĩnh và từ chối dứt khoát nếu không có nhu cầu.
Chiêm ngưỡng 15 hình ảnh tu viện cổ Tả Phìn
Tu viện Tả Phìn được mệnh danh là lâu đài giữa bản làng người Dao đỏ. Đây là địa điểm check in huyền bí và ma mị với những mảng rêu cam độc đáo, cột trụ đá ong và phong cách kiến trúc Pháp xưa cổ kính. Mời du khách cùng chiêm ngưỡng tu viện cổ Tả Phìn ảnh chụp với nhiều góc độ dưới đây:
Như vậy, bài viết đã tổng hợp những chia sẻ thú vị xung quanh tu viện cổ Tả Phìn – địa điểm check-in độc đáo đang HOT rần rần trên mạng xã hội. Để có trải nghiệm tốt nhất, du khách nên ưu tiên chọn ghé thăm tu viện vào những ngày thời tiết đẹp, tham khảo những góc đẹp và lựa chọn trang phục phù hợp để có ngay những tấm ảnh siêu ảnh lung linh nhé!
Leave a Reply